Hiểm họa từ các loài ngoại lai xâm lấn không thể kiểm soát
(Dân trí) - Các loài xâm lấn phá hoại mùa màng, tàn phá rừng, gieo rắc bệnh tật và đảo lộn hệ sinh thái đang lan rộng nhanh hơn bao giờ hết trên toàn cầu. Loài người chưa thể ngăn được cơn "thủy triều" này.
Theo Ban cố vấn Khoa học Liên chính phủ của Công ước của Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học (IPBES), thiệt hại do tai họa này gây ra ước tính lên đến 400 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, tương đương với GDP của Đan Mạch hoặc Thái Lan, và dường như con số này vẫn là một ước tính khiêm tốn.
Từ việc bèo tây làm chết hồ Victoria ở Đông Phi cho đến nạn chuột và rắn nâu tiêu diệt các loài chim ở Thái Bình Dương, hay muỗi xuất hiện ở những vùng đất mới và gây bệnh Zika, sốt vàng da và các bệnh khác... báo cáo của IPBES cho biết hơn 37.000 loài ngoại lai đã bén rễ, làm tổ cách rất xa nơi chúng sinh ra.
Con số này có xu hướng tăng nhanh chóng mặt cùng với thiệt hại chúng gây ra cứ tăng gấp 4 lần qua mỗi thập kỷ kể từ năm 1970 đến nay.
Phát triển kinh tế, tăng dân số và biến đổi khí hậu "sẽ làm tăng tần suất và mức độ xâm lấn sinh học cũng như tác động của các loài ngoại lai xâm lấn" là kết luận mà báo cáo đưa ra.
Chỉ có 17% các nước có luật pháp để quản lý tình trạng nói trên. Cho dù vô tình hay cố ý, khi các loài không phải bản địa lại xuất hiện ở một nơi khác trên thế giới, thì đều là lỗi của con người.
Sự lây lan của các loài này là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy sự mở rộng nhanh chóng của hoạt động của con người đã làm thay đổi đột ngột và khủng khiếp các hệ sinh thái tự nhiên đến mức đẩy Trái Đất vào một kỷ nguyên địa chất mới, đó là Kỷ Nhân sinh.
"Kẻ quá giang"
Đã có thời điểm mà bèo tây phủ kín 90% mặt hồ Victoria, gây cản trở giao thông, làm chết ngạt sinh vật dưới hồ, ngăn đập thủy điện và làm sinh sôi nảy nở muỗi, mà khởi điểm nó được các quan chức người Bỉ ở Rwanda giới thiếu là một loài hoa trang trí trong vườn, rồi sau đó nó tràn xuống sông Kagera vào những năm 1980 và không ai có thể ngăn cản được nữa.
Khu bảo tồn thiên nhiên Everglades ở Florida, Mỹ, đang tràn ngập những sinh vật hủy diệt. Chúng là con cháu của các loài vật nuôi và cây trồng trong nhà trước đây, từ những con trăn Miến Điện dài 5 mét và cá da trơn biết đi cho đến dương xỉ leo núi Cựu thế giới và hạt tiêu Braxin.
Vào thế kỷ XIX, những người Anh di cư đã đem đến New Zealand những con thỏ để săn và làm thức ăn. Khi chúng sinh sản nhanh như chính chúng, nhanh như thỏ, chính quyền đã cho nhập những loài thú ăn thịt nhỏ hung dữ được gọi là chồn hôi để giảm số lượng thỏ. Nhưng những con chồn lại quay sang săn lùng những con mồi dễ kiếm hơn, đó là hàng chục loài chim đặc hữu từ những con kiwi cho đến những con chim mỏ quả, đã bị tiêu diệt không thể ngăn chặn.
Bà Elaine Murphy, một nhà khoa học làm việc ở Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết New Zealand và Australia, nơi xảy ra câu chuyện thậm tệ về những con thỏ, là những trường hợp điển hình cho việc không kiểm soát loài gây hại nhập khẩu bằng loài gây hại nhập khẩu khác.
Mặc dù vậy, thông thường các loài xâm lấn là những loài vô tình đến, chúng quá giang trong nước dằn của các con tàu chở hàng, các container trong hầm chứa hàng hoặc trong va li của khách du lịch.
Biển Địa Trung Hải đầy rẫy các loài cá và cây không phải bản địa, chẳng hạn như cá sư tử và tảo sát thủ, di chuyển từ Biển Đỏ qua kênh đào Suez.
Những hòn đảo nhỏ dễ bị tổn hại
Ong bắp cày sát thủ có khả năng quét sạch toàn bộ một đàn ong chỉ trong một cuộc tấn công, đã từ châu Á đến Mỹ theo đường chở hàng lậu.
Phần lớn nguyên nhân là do thương mại quy mô lớn, châu Âu và Bắc Mỹ là những nơi tập trung nhiều nhất các loài xâm lấn được xác định không phải là loài bản địa và gây nhiều tác hại, và chúng lây lan là do hoạt động của con người.
Báo cáo của IPBES cũng đánh giá các loài xâm lấn là nguyên nhân chính gây ra 60% tình trạng tuyệt chủng của thực vật và động vật được ghi nhận, là 1 trong 5 tác nhân chính của tình trạng mất môi trường sống, sự ấm lên toàn cầu và ô nhiễm.
Những tác nhân này tương tác với nhau như sau: biến đổi khí hậu đã đẩy các loài ngoại lai đến những vùng nước hoặc vùng đất mới ấm lên, nơi các loài bản địa dễ bị tổn thương trước những kẻ xâm lăng mà chúng chưa từng gặp.
Vụ cháy rừng thiêu rụi thị trấn Lahaina trên đảo Maui của Hawaii, Mỹ, vào tháng trước một phần được kích thích bởi loài cỏ khô xương, một loài nhập khẩu từ nhiều thập kỷ trước để nuôi gia súc, đã lan rộng khắp các trang trại mía bị bỏ hoang.
Một hiệp ước toàn cầu nhằm bảo vệ đa dạng sinh học đã được ký kết vào tháng 12/2022 tại Montreal, Canada, đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm một nửa tốc độ lây lan các loài ngoại lai xâm lấn.
Báo cáo của IPBES đưa ra những chiến lược tổng thể để đạt được mục tiêu đó, nhưng không đánh giá khả năng có đạt được mục tiêu đó hay không. Về cơ bản, có ba hướng phòng vệ là phòng ngừa, diệt trừ và nếu thất bại thì ngăn chặn.
Các nỗ lực diệt trừ loài ngoại lai nhìn chung đã thất bại ở các vùng nước lớn như sông, hồ, đường thủy và trên các vùng đất liền kề đó. Các hòn đảo nhỏ là những nơi có tỷ lệ thành công cao nhất trong việc loại bỏ những "vị khách" không mong muốn, đặc biệt là chuột và các loại có xương sống khác, cũng chính là những nơi dễ bị tổn thương nhất.