1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hiểm họa rình rập trên quỹ đạo không gian Trái đất

(Dân trí) - Đã đến lúc phải dọn dẹp không gian trên quỹ đạo Trái đất hoặc chúng ta sẽ phải đối mặt với những thảm họa không gian trong tương lai gần. Đó là cảnh báo của cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu (ESA).

Mối nguy tiềm tàng

Vào lúc 17h7’ ngày 23/8/2016, trung tâm điều khiển của cơ quan hàng không vũ trụ Châu Âu (ESA) tại Damrstadt (Đức) đã phát hiện một việc không bình thường. Vệ tinh quan sát Trái đất, Sentinel-1A đột nhiên bị chệch khỏi quỹ đạo theo một hướng khác.

Nghiêm trọng hơn, hệ thống điện của vệ tinh mới chỉ ở năm thứ ba trên quỹ đạo này bị mất và không thể khôi phục lại trạng thái bình thường. Nguyên nhân được xác định sau đó đủ để khiến cho người ta phải lạnh người: trên tấm lợp năng lượng mặt trời xuất hiện một khoảng hư hại rộng 40 cm.

Phi thuyền Sentinel-1A đã bị một vật thể trôi va vào với kích thước chỉ khoảng vài mm. Với vận tốc di chuyển lên tới vài km/s, thật may mắn khi Sentinel-1A không bị một vật thể lớn hơn va phải. Khi đó toàn bộ tấm lợp sẽ bị phá tan và thậm chí cả vệ tinh cũng sẽ bị hư hại, Sentinel-1A sẽ kết thúc sứ mệnh của nó sớm hơn dự định rất nhiều.

Hình ảnh tại tấm lợp năng lượng mặt trời trên vệ tinh Sentinel-1A trước và sau khi bị vật thể va phải (nguồn: ESA)
Hình ảnh tại tấm lợp năng lượng mặt trời trên vệ tinh Sentinel-1A trước và sau khi bị vật thể va phải (nguồn: ESA)

Rác vũ trụ

Các trạm radar mặt đất hiện quan sát được khoảng 18,000 vật thể bay trên quỹ đạo Trái đất. Trong số đó chỉ có khoảng 7% là các vệ tinh đang hoạt động, còn lại đều là các mảnh vụn và vật thể “vô gia cư”. Nếu các vật thể quá nhỏ, các trạm radar sẽ không thể phát hiện ra và điều đó rất nguy hiểm cho các vệ tinh còn lại.

Sử dụng các số liệu quan sát và mô hình, các nhà khoa học phát hiện khoảng 5,000 vật thể có kính thước lớn hơn 1m, 20,000 vật thể lớn hơn 10 cm, 750,000 vật thể lớn hơn 1 cm và đến 150 triệu mảnh vụn chỉ nhỏ khoảng vài mm (giống mảnh vụn đã va vào Sentinel-1A). Số lượng quá lớn các vật thể hoàn toàn có thể khiến các vụ va chạm có thể xảy ra và điều đó lại tạo ra các mảnh vụn khác.

Mô phỏng các vệ tinh và vật thể bay quanh quỹ đạo Trái đất (nguồn: Đại học Southamton)
Mô phỏng các vệ tinh và vật thể bay quanh quỹ đạo Trái đất (nguồn: Đại học Southamton)

Với số lượng các vệ tinh viễn thông được phóng lên quỹ đạo ngày càng tăng, nguy cơ từ các vụ va chạm như của Sentinel sẽ càng lớn. Điều đó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn nguy hiểm cho mạng sống của các nhà du hành vũ trụ trên các trạm không gian. Gần nhất vào tháng 7/2015, 3 thành viên của đội bay của trạm không gian quốc tế ISS đã nhận được cảnh báo về một vụ va chạm có thể xảy ra trong vòng 90’. May mắn thay, một thảm họa đã không xảy ra.

Để giảm thiểu mối nguy từ rác vũ trụ, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và kỹ thuật. Trong đó bao gồm việc dò tìm, theo dõi và thiết lập hệ thống cảnh báo va chạm giữa các vệ tinh. Điều đó đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn và quan trọng hơn là thái độ quan tâm của các nhà chức trách.

Dự án dọn dẹp rác vũ trụ của ESA đã thất bại vào năm ngoái khi không có đủ sự ủng hộ của chính phủ các nước Châu Âu và không có kinh phí hoạt động. “Cách duy nhất để tránh những vụ va chạm là loại bỏ những vật thể đó. Thời gian càng lâu, sẽ càng khó khăn và tốn nhiều chi phí hơn để làm dọn dẹp chúng.”, Heiner Klinkrad trưởng phòng vật thể vũ trụ của ESA cho biết.

Huế Viên (Tổng hợp)