Hệ miễn dịch có vai trò gì trong một số ca tử vong do Covid-19?

(Dân trí) - Bao giờ đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt là câu hỏi chưa có lời giải đáp, thậm chí nó còn có thể quay trở lại hàng năm theo mùa.

Nhanh nhất cũng phải năm sau chúng ta mới có được vắc xin phòng bệnh, và từ nay đến lúc đó vẫn còn nhiều người phải thiệt mạng vì căn bệnh hiểm ác này.

Hệ miễn dịch có vai trò gì trong một số ca tử vong do Covid-19? - 1

Cho đến nay thế giới đã có hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh và gần 90.000 người chết. Đường cong biểu đồ bệnh tình vẫn chưa giảm bớt nhưng thêm mỗi một ngày các nhà khoa học lại tìm ra được những điều mới mẻ về căn bệnh này, như là Covid-19 có thể dẫn đến các triệu chứng thần kinh hoặc tim mạch, hay là virus corona có thể bị tiêu diệt dễ dàng trong phòng thí nghiệm nhờ thuốc kháng ký sinh trùng.

Trong khi chưa có phương thuốc điều trị hiệu quả triệt để nào và chúng ta vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa cho đến khi Tổ chức Y tế thế giới tiến hành thử nghiệm đại trà thuốc chữa căn bệnh này, thì các bác sỹ bắt đầu tìm hiểu lý do vì sao một số người tử vong. Và không chỉ người già và người có bệnh nền mới có nguy cơ tử vong, có nhiều bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục thì đột ngột trở nặng và không thể qua khỏi. Đây rõ ràng là có vai trò của “bão cytokine” và các bác sỹ vẫn chưa thực sự hiểu rõ vì sao điều này xảy ra.

Hệ miễn dịch của chúng ta chiến đấu chống lại mầm bệnh ngay khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, thậm chí điều này xảy ra ở cả những người bệnh không có biểu hiện gì hoặc biểu hiện rất nhẹ. Tất cả những trường hợp này vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho người khác, chỉ là họ không bị nguy cơ biến chứng xuống đường hô hấp.

Khi hệ miễn dịch chiến thắng, những bệnh nhân này sẽ có được khả năng miễn dịch trước virus corona mới, miễn dịch này có thể tồn tại một thời gian giúp cho họ không bị bệnh trở lại nữa với điều kiện virus này không đột biến quá nhiều.

Còn một số bệnh nhân khác sau khi có triệu chứng sốt và đau nhức, bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhưng đột ngột trở nặng rất nhanh. Đây là những trường hợp hệ miễn dịch bị lỗi bởi vì hệ miễn dịch đã phản ứng quá mạnh dẫn đến tấn công toàn bộ cơ thể chứ không chỉ tấn công virus.

Bác sỹ Pavan Bhatraju, Giáo sư dự khuyết của Trường đại học Washington cho biết có một số bệnh nhân ban đầu chỉ cần thở oxygen, sau đó bệnh tình của họ xấu đi rất nhanh, chỉ trong vòng 24 giờ sau họ đã phải dùng máy thở.

Bác sỹ Bhatraju và đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu về suy giảm chức năng phổi đột ngột ở các ca bệnh Covid-19. Không một đối tượng nào là không có nguy cơ mắc bệnh nặng, kể cả những bệnh nhân trẻ không hề có bệnh nền.

Các bác sỹ tin rằng chính “bão cytokine” đã gây ra tiến triển tiêu cực ở một số bệnh nhân. Các phân tử cytokine do các tế bào miễn dịch sản xuất và có vai trò là chất trung gian điều phối trong cuộc chiến đấu chống lại các mầm bệnh, chúng còn cảnh báo cho các tế bào miễn dịch tấn công virus.

Nhà miễn dịch học người Mỹ, bà Jessica Hamerman so sánh chúng với một báo động cháy bị lỗi, “giống như chiếc chuông báo cháy kêu không ngừng, đồng nghĩa với việc bạn liên tục gọi thêm lính cứu hỏa đến, và thế là có quá nhiều lính cứu hỏa xuất hiện”. Trong trường hợp này, các lính cứu hỏa chính là các tế bào miễn dịch chống lại virus corona, và do bị lỗi, chúng tấn công cả các tế bào khỏe mạnh.

Bão cytokine không chỉ xảy ra với Covid-19, vì thế các bác sỹ biết phải xử lý như thế nào, ít nhất là về mặt lý thuyết. Phản ứng miễn dịch phải được giảm bớt cho những bệnh nhân có tiên lượng bệnh xấu. Nhưng Covid-19 là một bệnh rất mới và y văn chưa nói về phương pháp điều trị căn bệnh này. Một mặt, chúng ta muốn hệ miễn dịch chống lại virus, nhưng mặt khác, chúng ta cũng không muốn hệ miễn dịch làm việc quá mức.

Các nhà khoa học chưa tìm ra hết các câu trả lời và mới chỉ kiểm chứng các lý thuyết. Một trong các lý thuyết đó là virus liên tục nhân bản bất chấp phản ứng miễn dịch. Nhưng hóa ra vẫn có những trường hợp hệ miễn dịch liên tục phản ứng lại ngay cả sau khi virus đã bị tiêu diệt.

Các bác sỹ đã thử tiêu diệt bão cytokine bằng các thuốc, như thuốc ức chế IL-6 chẳng hạn. Thuốc này ngăn chặn cytokine liên quan đến tình trạng viêm. Một nữ bệnh nhân suýt phải dùng máy thở, khi được kê thuốc này, bà đã phục hồi được khả năng tự thở.

Bác sỹ Daniel Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở New York, Mỹ, cho biết những bệnh nhân được ông kê thuốc ức chế IL-6 đều có kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một thử nghiệm và cần được kiểm tra nhiều hơn nữa. Ông nói rằng bệnh nhân dùng thuốc IL-6 đúng thời điểm bão cytokine chuẩn bị ập đến thì tác dụng sẽ rất tốt. Ông đang tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh nhân trong vài ngày tới xem có tiếp tục diễn biến tốt hơn không.

Một trong những công ty sản xuất thuốc ức chế IL-6 đang tiến hành thử nghiệm thuốc này ở Mỹ và châu Âu. Người đại diện của công ty (hãng Sarah Cornhil) nói rằng họ hy vọng có thể chia sẻ các kết quả ban đầu của giai đoạn thử nghiệm thứ hai ở Mỹ vào cuối tháng 4, trong khi đó hãng Roche đang tiến hành đợt thử nghiệm thứ 3.

Nếu cách điều trị này có thể ức chế hệ miễn dịch được thành công khi hệ miễn dịch trở nên nguy hiểm cho bệnh nhân thì tỷ lệ tử vong do Covid-19 sẽ giảm xuống trong những tháng sắp tới.

Phạm Hường

Theo BGR 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm