Hé lộ những bí ẩn về kho báu kép dưới triều đại vua Viking hùng mạnh

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Theo các nhà khảo cổ học, người chôn giấu kho báu có thể đã cố tình chia nhỏ nó ra để đề phòng khi chúng bị thất lạc.

Hé lộ những bí ẩn về kho báu kép dưới triều đại vua Viking hùng mạnh - 1

Vua Harald Bluetooth đã trả cho người của mình và tầng lớp quý tộc Đan Mạch bằng những "đồng xu chữ thập" để truyền bá kiến thức về đạo Cơ đốc giáo mà ông du nhập dưới triều đại của mình (Ảnh: Bảo tàng Nordjyske, Đan Mạch).

 Kho báu kép này được một nhóm khảo cổ học địa phương phát hiện trên cánh đồng ở khu vực bán đảo Jutland, Đan Mạch vào cuối năm ngoái.

Nó đã tiết lộ cái nhìn mới về triều đại Viking hùng mạnh và tham vọng tôn giáo của vị vua Harald Bluetooth.

Ông đã thống trị Đan Mạch và Na Uy từ năm 958 đến năm 985 sau Công Nguyên và đã gặt hái được rất nhiều thành tựu trong suốt quãng thời gian trị vì.

Tuy nhiên người ta nhớ tới ông nhiều hơn vì công lao đưa hai quốc gia Đan Mạch và Na Uy trở thành một đất nước thống nhất thời điểm đó.

Mới đây, các nhà khoa học đã hé lộ nhiều bí ẩn về kho báu này, nó chứa khoảng 300 miếng bạc, 50 đồng xu và một số đồ trang sức cắt rời. 

Các cuộc khai quật cho thấy, những đồ vật có giá trị được chôn trong hai kho chứa cách nhau khoảng 30 mét.

Hé lộ những bí ẩn về kho báu kép dưới triều đại vua Viking hùng mạnh - 2

Một số mảnh bạc là các bộ phận của một chiếc trâm bạc rất lớn, có thể bị thu giữ trong một cuộc đột kích của người Viking, chiếc trâm bạc này đã được cắt thành "bạc hack" để buôn bán theo trọng lượng (Ảnh: Bảo tàng Nordjyske).

Nhiều mảnh là "hack bạc", chúng là đồ trang sức bằng bạc được cắt thành từng mảnh để giao dịch, trao đổi hàng hóa theo trọng lượng dưới triều đại Viking.

Một số ít là những đồng xu bạc đến từ các nước Ả Rập, Đức và Đan Mạch.

Các đồng xu của Đan Mạch rất thú vị đối với các nhà khảo cổ học vì chúng bao gồm cả "đồng xu chữ thập" được đúc dưới triều đại vua Harald Bluetooth vào những năm 970 và 980 sau Công nguyên.

Vị vua này chính là người đã có công lớn trong việc chuyển đổi từ tín ngưỡng ngoại giáo của người Bắc Âu sang Cơ đốc giáo.

Đây là một phần trong kế hoạch thống nhất các bộ lạc Viking đang gây chiến ở Đan Mạch thời kỳ bấy giờ.

Nhà khoa học Trier cho biết: "Việc đánh dấu chéo lên đồng xu của vua Harald là một phần trong chiến lược của ông. Vị vua này đã trả cho tầng lớp quý tộc địa phương bằng những đồng xu đó để tạo tiền lệ trong thời kỳ chuyển tiếp tôn giáo, do người dân lúc bấy giờ rất tín ngưỡng các vị thần".

Bên cạnh đó, cả hai kho báu cũng chứa các bộ phận của một chiếc trâm bạc rất lớn, có thể của một vị vua hoặc nhà quý tộc từng đeo.

Theo các nhà khảo cổ học, chiếc trâm bạc này có thể đã bị tịch thu trong một cuộc đột kích của người Viking. 

Nhưng kiểu trâm cài này không được đeo ở vùng đất cai trị của Harald Bluetooth. Vì vậy, nó đã được cắt thành nhiều mảnh bằng thành bạc hack để giao dịch.

Vua Harald Bluetooth

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa rõ tại sao vua Harald lại có biệt danh là "Bluetooth"; một số nhà sử học cho rằng, khuôn mặt của ông nổi bật với một chiếc răng xấu, vì từ "Bluetooth" tiếng Bắc Âu cổ có nghĩa là "răng xanh đen".

Ngày nay từ này đã được đặt tên cho công nghệ chuẩn kết nối không dây tầm ngắn giữa các thiết bị điện tử Bluetooth.

Vua Harald là người thống nhất Đan Mạch, ông trị vì cho đến năm 985 và qua đời trong khi chiến đấu chống lại một cuộc nổi loạn do Sweyn Forkbeard con trai ông lãnh đạo.

Nhà số học Jens Christian Moesgaard, Đại học Stockholm (Thụy Điển) cho biết: "Những đồng xu của Đan Mạch dường như có từ cuối triều đại của Harald Bluetooth.

Kho báu kép mới này mang lại bằng chứng mới quan trọng chứng minh cho cách giải thích của chúng tôi về tiền đúc và quyền lực của vua Harald. Chúng có thể được phân phát tại pháo đài mới được xây dựng cho nhà vua ở Fyrkat, Đan Mạch". 

Theo Jens Christian, nhiều khả năng vua Harald đã sử dụng những đồng xu này để gửi tặng cho người của mình để đảm bảo lòng trung thành từ họ.

Các chữ thập trên đồng xu cũng chính là thông điệp đạo Cơ đốc giáo mà nhà vua muốn truyền bá đến cho công chúng. 

Các nhà khảo cổ sẽ quay trở lại địa điểm này vào cuối năm nay với hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về các tòa nhà Thời đại Viking (793 đến 1066 sau Công nguyên).

Theo www.livescience.com