Hành trình một tỷ năm của các mảng kiến tạo trên Trái Đất
(Dân trí) - Bằng phép mô phỏng mới, các nhà khoa học vừa cho chúng ta thấy một hình ảnh hoàn toàn mới mẻ của các lục địa qua các hành trình trôi dạt, nhập, tách để có diện mạo như ngày nay.
Không giống như các hành tinh khác trong hệ mặt trời có bề mặt gồ ghề, khô cằn sỏi đá, bề mặt của Trái Đất là một bức tranh những mảnh ghép khổng lồ luôn dịch chuyển. Mỗi mảnh ghép đó là một mảng kiến tạo, có cấu tạo là một lớp vỏ và lớp lót.
Những mảng này dịch chuyển chậm như tốc độ móng tay bạn mọc hàng ngày. Chúng va chạm vào nhau, trượt qua nhau và chìm xuống dưới hoặc cái nọ trượt lên trên cái kia. Trong quá trình vận động đó, chúng kiến tạo nên bộ mặt của Trái Đất.
Cách đây nửa thế kỷ, lý thuyết về sự dịch chuyển của các mạng kiến tạo mới chỉ được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học hoài nghi ban đầu. Ngày nay, các nhà khoa học đã có thể tái tạo chính xác những hành trình của các mảng kiến tạo qua hơn một tỷ năm qua.
Những phép mô phỏng trước đây thường tái tạo chuyển động của từng lục địa và cho thấy chúng trôi dạt trên một đại dương màu xanh không động lực học giống như những miếng bánh mì nướng nổi lềnh bềnh trong nồi súp. Giờ đây, các nhà khoa học đang thử áp dụng một cách tiếp cận mới. Họ kết hợp các dữ liệu từ tính cho thấy vị trí của các khối đá liên quan đến các cực từ hàng triệu năm trước, cùng với các dữ liệu địa chất mô tả sự tương tác của các mảng kiến tạo, những tác động và biến đổi diễn ra ở mép các mảng này. Kết quả là chúng ta có một phép mô phỏng với độ trung thực và chính xác cao thể hiện được những chuyển động của tất cả các mảng kiến tạo, hay các lục địa, đại dương và tất cả các yếu tố địa chất trên bề mặt Trái Đất
Trong thập kỷ trước, quá trình tái tạo kiến tạo mảng tốn kém tương tự đã được thực hiện nhưng chỉ cho khoảng thời gian địa chất hạn chế. Đây là lần đầu tiên phép tái tạo toàn bộ chuyển động kết hợp của các mảng kiến tạo được thực hiện cho quãng thời gian 1 tỷ năm, tức là 1/5 chiều dài lịch sử của Trái Đất.
Phép du hành thời gian này vô cùng quan trọng đối với các nhà địa chất học, vì các mảng kiến tạo kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ diễn ra trên Trái Đất. Nó tạo nên các dãy núi, các ngọn núi lửa, các lục địa và đại dương; nó quyết định ở đâu có sự sống cho dù không quy định được sự sống tiến hóa như thế nào; nó điều hòa khí hậu dài hạn của thế giới thông qua việc chôn vùi và giải phóng carbon.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học địa chất Andrew Merdith ở Trường đại học Claude Bernard Lyon 1, Pháp, cho biết có rất nhiều thứ ngày nay chúng ta nhìn thấy và quan tâm đều có nguyên nhân, nguồn gốc từ 10 đến 100 triệu năm chuyển động của các mảng kiến tạo.
Nhờ có phép mô phỏng này, chúng ta phần nào nhìn được về quá khứ, phát hiện ra thêm các chu trình dịch chuyển các mảng kiến tạo, giúp cho các nhà khoa học làm sáng tỏ những quá trình tạo nên thế giới chúng ta đang sống ngày nay.
Chẳng hạn như cách đây 700 triệu năm, Trái Đất là một quả cầu tuyết khổng lồ; cách đây 540 triệu năm, Trái Đất là nơi sinh sống của thế giới động vật vô cùng phong phú và phức tạp; sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Trái Đất xảy ra cách đây 252 triệu năm; các loài cây có hoa tiến hóa vượt bậc cách đây 130 triệu năm; dãy núi Himalaya hình thành cách đây 45 triệu năm; và gần đây nhất, thể hiện trong giây cuối cùng của đoạn mô phỏng, là sự xuất hiện của loài người hiện đại.
Ngoài giá trị sử dụng cho nghiên cứu khoa học, phép mô phỏng dưới dạng đoạn băng hình này cũng làm mọi người xem khác vô cùng thích thú.