1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Thanh Hóa:

Hàng chục hộ dân khốn khổ vì nguồn nước nhiễm mặn

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương khốn khổ vì nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn. Để có nước sinh hoạt, người dân phải bỏ tiền ra đầu tư máy lọc và mua nước bình về dùng.

Theo phản ánh của người dân xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, đã nhiều năm nay, nguồn nước mà các hộ dân sử dụng bị nhiễm mặn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn khiến người dân khốn đốn
Nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn khiến người dân khốn đốn

Ông Hoàng Văn Thông (65 tuổi, thôn 8, xã Quảng Thái) cho biết: “Chúng tôi đã bơm nước vào thau, rồi cho qua bể lọc nhiều lần nhưng nước vẫn mặn, không thể uống được. Trước đây, nguồn nước này rất trong và ngọt. Thế nhưng, cách đây hơn 4 năm, nước bơm lên có vị mặn chát như muối”.

Để có nguồn nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày, gia đình ông Thông đã phải đầu tư 2,5 triệu đồng mua một máy lọc về lọc nước nhưng chất lượng nước vẫn không khá hơn.

Nước nhiễm mặn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn
Nước nhiễm mặn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn

Thậm chí, nguồn nước bị nhiễm mặn, có những gia đình đã phải bỏ thêm tiền khoan giếng ở vị trí khác như gia đình bà Trần Thị Phương (57 tuổi, thôn 8, Quảng Thái). Tuy nhiên, theo bà Phương, giếng khoan xong chỉ dùng được ít ngày thì nước lại tiếp tục nhiễm mặn. Từ đó, 2 giếng khoan của gia đình bà đành bỏ không, hoen rỉ và cho đến nay đã hư hỏng.

Không còn cách nào khác, bà Phương đành bỏ tiền mua nước bình về dùng. Mỗi thùng 15-20 lít có giá 10.000 - 20.000đ. Để tiết kiệm, bà phải dùng can đi xe đạp đến các hộ dân xóm gần đó xin nước về dùng.

Người dân phải đầu tư bình lọc, nhưng bị hoen rỉ do nước nhiễm mặn
Người dân phải đầu tư bình lọc, nhưng bị hoen rỉ do nước nhiễm mặn

Tại thôn 7 và thôn 8, xã Quảng Thái, hiện có hàng chục hộ dân rơi vào tình cảnh khốn khổ vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Theo người dân địa phương thì hiện tượng này bắt đầu từ khi một doanh nghiệp về địa phương cải tạo, đào đất làm ao nuôi tôm.

Người dân nhận định, có thể trong quá trình nuôi tôm, bạt dưới đáy ao bị rách, nước mặn đã thấm sâu vào lòng đất nhiễm vào nguồn nước ngầm. Hiện tượng nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn khiến sinh hoạt của nhiều hộ dân nơi đây lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Ông Trần Phú Dũng - Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết, tại địa phương có hơn 30 hộ bị ảnh hưởng do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn. Mặc dù là xã gần biển, nhưng xưa nay địa phương chưa từng xảy ra hiện tượng xâm thực mặn do tự nhiên.

Dự án nuôi tôm nước mặn trên địa bàn xã Quảng Thái.
Dự án nuôi tôm nước mặn trên địa bàn xã Quảng Thái.

Được biết, năm 2003, Công ty cổ phần Long Phú về địa phương triển khai dự án nuôi tôm trên cát. Đơn vị này cải tạo 13,2 ha diện tích đất cát thuộc địa phận thôn 7 và thôn 8 để thực hiện dự án.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần báo cáo lên các cấp thẩm quyền. Đoàn công tác của Sở TN&MT và Phòng Cảnh sát môi trường cũng đã về địa phương ghi nhận thực tế, lấy mẫu nước đưa đi phân tích.

Trần Lê