1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hãi hùng với tập tính của loài sinh vật xấu xí nhất hành tinh

Minh Khôi

(Dân trí) - Cá lồng đèn (Anglerfish) vốn được mệnh danh là "sinh vật xấu xí nhất hành tinh" với những tập tính quái dị, vẫn khiến người ta tò mò về những bí ẩn xung quanh chúng.

"Quái vật răng nhọn" bất ngờ xuất hiện trên bãi biển

Hãi hùng với tập tính của loài sinh vật xấu xí nhất hành tinh - 1

Ngoại hình quái dị của cá Anglerfish được bắt gặp trôi dạt vào bãi biển California. (Ảnh: Dailymail)

Mới đây, xác của một con cá Anglerfish, hay còn gọi là cá lồng đèn, hay cá chụp đèn,… bất ngờ được phát hiện trên bãi biển ở California (Mỹ).

Theo các nguồn tin, con cá có độ dài khoảng 18 inch (tương đương 45,7 cm), sở hữu thân hình tròn, dẹt, có nhiều gai. Vây đuôi và thân của nó không giống với các loài cá khác, khi được tách thành nhiều nhánh do thuộc bộ Vây chân.

Điều đặc biệt là nó sở hữu một bộ phận với nhiều xúc tu trên đầu, cùng với một cái miệng há rộng, đầy răng nhọn hoắt. 

Các tổ chức về sinh vật biển nhanh chóng coi đây là một "phát hiện hiếm có", xét trên phương diện con cá còn gần như nguyên vẹn, dù họ không chắc rằng nó dạt vào bờ theo cách nào. 

Bà Jessica Roame, điều phối viên tại Davey's Locker Sportfishing & Whale Watching, cho biết: "Loài cá này thường sinh sống ở rất sâu, khiến cho không nhiều người có thể nhìn thấy, hoặc nghiên cứu về chúng". 

Một số người thậm chí cân nhắc việc đưa con cá này vào viện bảo tàng, vì hiện chỉ có vỏn vẹn 3 vật mẫu cá Anglerfish được lưu trữ, trong số khoảng 3 triệu cá thể đang sinh sống dưới lòng đại dương.

Cách săn mồi quái dị

Hãi hùng với tập tính của loài sinh vật xấu xí nhất hành tinh - 2

Ngoại hình quái dị của cá Anglerfish, hay còn gọi là cá lồng đèn, cá chụp đèn,... (Ảnh: Sciencenews)

Theo thống kê, cá lồng đèn có tới trên 350 loài, thuộc 72 chi của bộ cá Vây chân. Chúng hầu hết sống ở những khu vực có độ sâu độ sâu dưới 1,5 km dưới mặt biển, tối tăm ở Đại Tây Dương và Nam Cực. 

Do môi trường sống khắc nghiệt, chúng đã tiến hóa từ ngoại hình tới cách săn mồi để thích nghi hoàn hảo.

Sở dĩ có tên gọi là cá lồng đèn, hay cá chụp đèn, bởi sinh vật này có một bộ phận giống như "mồi nhử", có khả năng phát quang sinh học, nhô ra khỏi đầu. 

Theo các nghiên cứu, ánh sáng này được tạo ra bởi vi khuẩn sống bên trong cá Anglerfish và sẽ giúp nó thu hút con mồi, thường là những loài cá bé hơn. 

Khi con mồi tới gần, cá lồng đèn sẽ hàm răng sắc nhọn luôn chìa ra và hướng lên trên của mình để tấn công, nuốt trọn con mồi xấu số. 

Hình thức giao phối đáng sợ

Hãi hùng với tập tính của loài sinh vật xấu xí nhất hành tinh - 3

Kích thước cá Anglerfish đực so với con cái. (Ảnh: Wikipedia)

Không chỉ cách săn mồi, mà ngay cả hành vi giao phối của cá Anglerfish được miêu tả khá kỳ quái, không giống với bất kỳ loài động vật nào, và dường như chỉ phù hợp với hình ảnh trong những bộ phim kinh dị. 

Theo đó, những con cá đực sẽ tìm bạn tình, sau đó sống ký sinh bằng cách bám sát vào phần vây bụng của con cái để chia sẻ thức ăn và giao phối. Khi tiến hành giao phối, cá đực cũng sẽ hoàn toàn bị mất hệ thống tiêu hóa. Để hấp thụ thức ăn, nó cắn vào thịt con cái, tạo ra một thể gần như thống nhất.  

Việc sống ký sinh khiến cá đực sống dựa hoàn toàn vào con cái, cùng chia sẻ một hệ thống tiêu hóa. Ngược lại, nó sẽ phải luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giao phối của con cái.

Theo thời gian, mọi bộ phận trong con đực đều tiêu biến, chỉ còn lại tinh hoàn. Sau cùng, con đực sẽ nhanh chóng chết đi, để lại một khối lượng tinh hoàn đủ cho cá cái thụ tinh, được thẩm thấu qua da theo các enzim.

Đối lập với cá Anglerfish cái, con cá đực có thân hình rất nhỏ, chỉ khoảng 6,35 mm - tức bé hơn khoảng 500.000 lần so với cá cái. Khi quan sát loài cá này, các nhà nghiên cứu nhận thấy hai mặt của hầu hết các con cá cái đều có những vết sưng tấy kỳ lạ, thì ra đó chính là di cốt của cá đực để lại.