Hà Nội có khả năng động đất cao hơn TPHCM
(Dân trí) - Viện Vật lý địa cầu cho biết, Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 7-8. Trong lịch sử, cấp động đất lớn nhất ở Hà Nội là cấp 8, tương đương 6,5 độ richter.
Khoảng 20 giờ 45 phút tối 24/12, nhiều người dân sống ở tầng cao chung cư tại Hà Nội cảm nhận rất rõ động đất xảy ra. Dư chấn từ động đất mạnh tới mức khiến nhiều người hoa mắt, chóng mặt, bể cá phòng khách rung lắc dữ dội.
Tuy nhiên, nhiều người ở nhà mặt đất lại khá bất ngờ trước thông tin Hà Nội có động đất, vì không cảm thấy dấu hiệu gì rõ rệt.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, một trận động đất mạnh 5.5 độ đã xảy ra tại tỉnh Phongsaly, Lào (cách huyện Mường Nhé khoảng 50 km) lúc 20 giờ 43 phút, với độ sâu khoảng 10km.
Cũng trong ngày 24/12, hai trận động đất khác đã xảy ra tại tỉnh Phongsaly, bao gồm lúc 18 giờ 24 phút và lúc 19 giờ 37 phút, cách huyện Mường Nhé không xa. Hai trận động đất này có độ lớn lần lượt là 3,6 và 3,9 độ Richter.
Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 7-8
Theo Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Hà Nội vốn nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Chảy. Đới đứt gãy này đang trong thời kỳ yên tĩnh với nguy cơ động đất không cao. Dù vậy, trong đới này từng xảy ra các trận động đất mạnh 5,1 - 5,5 độ.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia từng cảnh báo Thủ đô Hà Nội nằm trong vùng có khả năng xảy ra động đất cấp 7, cấp 8. Trong lịch sử, những trận động đất ở cấp độ trên đã xảy ra ở Hà Nội vào các năm 1277, 1278 và 1285, gây chấn động rất mạnh làm đất nứt, núi lở, nhiều công trình hư hại.
Trong lịch sử, cấp động đất lớn nhất ở Hà Nội là cấp 8, tương đương 6,5 độ richter. Mặc dù chỉ được coi là động đất ở mức trung bình theo tiêu chuẩn của thế giới, nhưng con số này không thua kém là mấy so với cường độ của trận động đất hủy diệt Haiti (7 độ richter) và điều này khiến nhiều người giật mình.
Dẫu vậy, theo báo cáo phân vùng động đất Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Địa cầu cho biết, động đất tại Việt Nam không mạnh so với tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất xuất hiện động đất mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 là rất thấp.
Được biết, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285). Trong đó, trung bình khoảng 10 năm sẽ xảy ra một trận động đất mạnh cấp 7 và 5 năm xảy ra một trận động đất cấp 6. So với Hà Nội, TPHCM nằm trong vùng động đất cấp 6 - cấp 7, nên nguy cơ xảy ra động đất cũng ít hơn.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng trong tương lai, hoạt động động đất có thể tăng lên và động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La.
Dựa theo bản đồ phân vùng động đất Việt Nam (tính bằng thang cấp động đất quốc tế MSK), nơi có thể phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 tại Việt Nam gồm các vùng Sông Mã, Sơn La và PuMây Tun - Sốp Cộp gắn liền với các hệ đứt gãy cùng tên (thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu).