GS Võ Quý - Một nhà điểu học và môi trường học tài năng
(Dân trí) - Vô cùng thương tiếc GS Võ Quý vừa qua đời sau gần 60 năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp khoa học cũng như giáo dục. Ông đã để lại những thành tựu đáng tự hào về giáo dục đại học và trên đại học cũng như những công trình nghiên cứu các loài chim, về bảo vệ và phục hồi môi trường bị nhiễm chất độc màu da cam.
Từ một thầy giáo dạy cấp 2, rồi được điều lên dạy cấp 3 và đến năm 1956 chuyển lên dạy đại học, ở Khoa Sinh Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Qua quá trình vừa dạy học vừa tự học là chính, Thầy giáo Võ Quý đã trở thành một Giáo sư Sinh học hàng đầu, có những công trình nghiên cứu nổi tiếng về các loài chim (điểu học), cũng là nhà môi trường học nổi tiếng, sớm nhấn mạnh quan điểm đa dạng sinh học trong bảo vệ môi trường.
Tất cả những ai đã từng được gặp gỡ và làm việc với GS Võ Quý đều trân trọng và quý mến ông về đức tính và tác phong khiêm nhường giản dị, về sự tận tụy hết mình trong công việc, về cách tư duy sâu sắc và nhạy bén với những điều mới mẻ.
Là một nhà báo chuyên viết về lĩnh vực khoa học, giáo dục và môi trường, tôi biết tiếng giáo sư Võ quý từ lâu, nhưng cho đến khi Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường được thành lập và do ông làm Giám đốc thì khi đó tôi mới có dịp gặp gỡ và làm việc với ông nhiều hơn, vì vấn đề môi trường khi đó trở thành một “vấn đề có tính thời sự “ ở cả trong nước và trên thế giới. Đây là đầu những năm 80, cũng là lúc GS Võ Quý đề xuất việc thành trung tâm này ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây cũng là tổ chức đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu và đào tạo cán bộ khoa học về môi trường mà GS Võ Quý trực tiếp làm Giám đốc trong mười năm (1985-1995) và sau đó tiếp tục làm Chủ tịch danh dự không phải trên danh nghĩa mà vẫn gắn bó thực sự với công việc đào tạo và nghiên cứu của Trung tâm. Nhờ có uy tín của GS Võ Quý, Trung tâm không những đã sớm xác lập được vị trí của mình ở trong nước mà còn có mối quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu và đào tạo về môi trường.
Năm 2003, GS. Võ Quý vinh dự là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai được nhận Giải thưởng Hành tinh xanh, một giải thưởng quốc tế được ví như giải Nobel về môi trường, do Ashahi Glass Foundation trao tặng. Sau khi được trao giải, ông đã dùng gần như toàn bộ số tiền 50 triệu yên Nhật (tương đương khoảng 6 tỷ đồng Việt Nam) vào việc nghiên cứu và bồi dưỡng cán bộ ngành môi trường. Từ đó, hằng năm, ông trích dần số tiền này để góp phần cùng với Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường tổ chức các lớp bổ túc kiến thức về môi trường cho những người đang làm công tác này và hỗ trợ các hoạt động về đào tạo cũng như nâng cao năng lực đào tạo của Trung tâm.
Ông cũng dành toàn bộ phần thưởng trị giá 150.000 USD giải Pew Scholars do Đại học Michigan (Hoa Kỳ) trao để nghiên cứu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở Hà Tĩnh.
Qua gần nửa thế kỷ vừa tham gia công tác quản lý, lúc là trưởng phòng đào tạo, lúc gánh vác trọng trách chủ nhiệm khoa sinh học, lúc là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, công việc nào ông cũng làm việc hết mình nhưng vẫn dành tâm huyết cả đời cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ngoài việc tham giảng dạy đại học và hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp và sau này là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, và một số trường đại học khác ở trong nước, GS Võ Quý còn được mời giảng dạy ở các Trường Đại học nước ngoài như Đại học Wisconsin, Đại học Berkley (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Anh)...
Vốn là người yêu quê hương Hà Tĩnh của mình và thích nuôi chim từ tuổi ấu thơ, ông đã phát hiện một loài Trĩ mới ở vùng Kẻ Gỗ (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Khi đó, ông mới ngoài 30 tuổi, chưa có đủ uy tín khoa học để được quốc tế thừa nhận ngay. Ông kiên trì nghiên cứu và tìm tài liệu chứng minh con Trĩ lam Hà Tĩnh mà dân địa phương quen gọi là "Gà lừng" là một loài Trĩ mới. Sau 20 năm, qua nhiều lần kiểm chứng, Hội đồng Quốc tế Bảo vệ chim (ICBP) đã công nhận nghiên cứu của ông là đúng và đặt tên cho loài chim này là "Vo Quy Pheasant" (Trĩ Võ Quý) để ghi nhớ công lao của nhà khoa học phát hiện loài Trĩ mới quý hiếm này.
GS Võ Quý hỏi chuyện người dân Đắc Lắc.
GS. Võ Quý chủ trì nhiều công trình khoa học có giá trị như "kiểm kê" tỉ mỉ, kỹ càng hơn 1.000 loài và phân loài chim ở nước ta. GS còn là tác giả của 14 cuốn sách, tiêu biểu như: "Chim Việt Nam" (tập 1, 2), "Cuộc sống các loài chim", "Danh mục các loài chim Việt Nam"...; Ông dành nhiều tâm sức để nghiên cứu về đa dạng sinh học, các loài có nguy cơ tuyệt chủng, thiết lập và quản lý các khu bảo tồn, giúp đỡ các cộng đồng địa phương trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững.
GS. Võ Quý còn là người đề xuất, chủ trì và tham gia các dự án nghiên cứu về chim, về các loài động vật quý hiếm, về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, về hậu quả của chất độc hóa học màu da cam mà quân đội Mỹ đã dùng ở Việt Nam, về các giải pháp sinh học phục hồi môi trường sinh thái..
Ông đóng góp nhiều công sức vào việc sáng lập, xây dựng mục tiêu, nội dung nghiên cứu các chương trình quốc gia về môi trường, làm Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm hai Chương trình nghiên cứu này từ năm 1981 đến năm 1990.
Với công lao đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp khoa học và giáo dục, GS Võ Quý đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý ở trong nước cũng như quốc tế, nhưng có lẽ phần thưởng to lớn nhất đối với ông là đã suốt đời được làm công việc mà mình hằng yêu thích và say mê. Lúc sinh thời, đã có lần được hỏi chuyện ông sau khi đi nhận giải thưởng quốc tế vê, ông cười vui và tâm sự:” Tôi có may mắn được làm nghề thầy giáo, lại được tham gia nghiên cứu về các loài chim, về tính đa dạng sinh học trong nhiệm vụ bảo vệ sự bền vững của môi trường sinh thái. Đấy là nội dung nghiên cứu hết sức lý thú, giầu tình khoa học và nhân văn. Tôi nghĩ đấy là phần thưởng lớn nhất của đời mình !”
Vâng quả là như vậy! Cho đến hôm nay, dù đã 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ nguyên những lời tâm sự chứa đựng tâm huyết và nói lên đức tính khiêm nhường vốn có của GS Võ Quý- Nhà điểu học và môi trường học hàng đầu của đất nước ta..
Thao Lâm
,