Giờ vào học muộn hơn mang lại lợi ích cho thanh thiếu niên
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu về các học sinh Mỹ, việc đẩy lùi giờ vào học ở trung học không chỉ cải thiện chất lượng giấc ngủ của học sinh, mà còn giúp nâng cao thành tích học tập.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy kết quả này một cách khách quan – bằng cách sử dụng thiết bị giám sát hoạt động đeo tay để đo thời gian ngủ - chứ không phải dựa vào thông tin tự báo cáo về thói quen ngủ.
Các thanh thiếu niên vốn thích thức muộn và ngủ nướng do sự thay đổi đồng hồ sinh học xảy ra trong thời kì dậy thì. Tuy nhiên, sở thích này không phù hợp với giờ vào học sớm của hầu hết các trường. Horacio de la Iglesia đến từ Đại học Washington cho biết: "Về cơ bản, việc đó đang chặt đứt phân đoạn cuối cùng của giấc ngủ mà họ cần".
Để giải quyết vấn đề này, các trường học ở Seattle quyết định lùi giờ vào học từ 7:50 tới 8:45 sáng từ giữa năm 2016 trở đi. De la Iglesia và các đồng nghiệp quyết định đánh giá tác động bằng cách nghiên cứu các học sinh trước và sau sự thay đổi này. Để kết quả khách quan nhất có thể, họ đã so sánh các học sinh học môn sinh học lớp 10 năm 2016 với những học sinh cũng học môn đó năm 2017. Nhóm năm 2016 có 94 học sinh và năm 2017 có 84 học sinh.
Theo thiết bị giám sát hoạt động đeo tay, các học sinh năm 2016 và 2017 đi ngủ vào cùng một giờ. Nhưng vì có thể ngủ ngay sau đó, các học sinh năm 2017 ngủ được thêm trung bình 34 phút mỗi ngày.
Giấc ngủ thêm này tương quan với sự tỉnh táo tốt hơn vào ban ngày và điểm số học kì hai cao hơn trung bình 5%. Theo de la Iglesia, điều này có thể lý giải vì giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng giúp nâng cao kết quả học tập.
Tại một trường học, số học sinh tới lớp đúng giờ cũng được cải thiện. Học sinh năm 2017 trung bình một năm đi học muộn ít hơn 2 ngày và nghỉ học ít hơn 2 lần so với học sinh năm 2016.
Theo Gideon Dunster đến từ Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu, những cải thiện này có thể được tăng lên bằng cách đẩy lùi giờ vào học muộn nữa. Giờ vào học mới ở Seatltle đã nâng cao thời gian ngủ trung bình từ 6 tiếng 50 phút lên 7 tiếng 24 phút, nhưng thế này vẫn chưa đủ. "Dù học sinh cần ngủ nhiều hơn; họ vẫn không ngủ đủ trung bình 9 tiếng mỗi đêm như khuyến nghị".
Dunster hi vọng các cuộc thử nghiệm tương lai sẽ quyết định giờ vào học phù hợp nhất với nhịp điệu sinh học ngày đêm của học sinh và tối ưu hóa chất lượng giấc ngủ và khả năng học tập của họ.
Lộc Xuân (Theo New Scientist)