Giáo sư Trịnh Xuân Thuận giao lưu với công chúng yêu khoa học ở Bình Định
(Dân trí) - "Cuộc đời tôi 50% dành cho nghiên cứu, 30% cho việc giảng dạy học và phần còn lại tôi dành cho đam mê viết sách”, giáo sư Trịnh Xuân Thuận chia sẻ với công chúng yêu khoa học trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Chiều 8/7, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, đông đảo học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học đã đến tham gia buổi giao lưu, trò chuyện thú vị với nhà thiên văn học nổi tiếng - Giáo sư Trịnh Xuân Thuận với chuyên đề: “Con người và vũ trụ - Vũ trụ có một ý nghĩa gì không”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII đang diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định).
Buổi nói chuyện, GS Trịnh Xuân Thuận đã khái quát lịch sử hình thành ý tưởng vũ trụ của loài người với nhiều cách nghĩ khác nhau về vũ trụ. Từ quan điểm sai lầm thuở sơ khai ban đầu như trái đất là trung tâm vũ trụ, mặt trời là trung tâm vũ trụ cho đến khi ra đời lý thuyết vũ trụ gồm vô số các thiên hà như ngày nay. Giáo sư cho rằng vị trí của con người trong vũ trụ rất nhỏ bé chỉ như hạt cát trong vũ trụ bao la, con người rất nhỏ bé cả trong không gian và thời gian. Ông cũng chia sẻ thêm con đường dẫn ông tới nghiên cứu vật lý thiên văn học để có những thành công như ngày hôm nay.
GS. Trịnh Xuân Thuận chia sẻ: “Khi tôi quyết định ra nước ngoài học tập thì có những giai đoạn rất cô đơn, phải xa gia đình, không biết tiếng anh, không biết gì hết nhưng vẫn quyết định đi. Cá nhân tôi nghĩ rằng con đường tới thành công phải có ý chí, nghị lực và một chút may mắn. May mắn của tôi được gặp những thầy giáo rất giỏi hướng dẫn, giảng dạy tôi”.
Sau bài thuyết trình về con người và vũ trụ - vũ trụ có một ý nghĩa gì không là phần giao lưu đặt câu hỏi của các bạn học sinh, sinh viên và những công chúng yêu khoa học cho giáo sư về các vấn đề liên quan đến vật lý thiên như: áp dụng của vật lý thiên văn trong đời sống hiện con người, con người có thể đi các vũ trụ song song với trái đất để sống sinh sống không, sự tồn tại của sự sống trên sao hỏa, vật chất tối là gì, lỗ đen…
Có bạn cũng hỏi giáo sư Thuận rằng là ngoài thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo sư còn là một nhà thơ, nhà văn viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học. Vậy trong thời gian tới, ông có có dự định sẽ nghiên cứu và xuất bản thêm tác phẩm nào trong lĩnh vực vũ trụ học không.
“Cuộc đời tôi dành 50% cho nghiên cứu khoa học, 30% dành cho giảng dạy học và 20% còn lại tôi dành cho viết sách. Tôi đang viết một cuốn sách mới về chân không trong vũ trụ học và chân không trong đạo phật sẽ cho ra mắt vào tháng 9 năm nay tại Pháp, khoảng 1 năm tôi sẽ cho dịch ra tiếng Việt và sẽ ra mắt đến bạn đọc ở Việt Nam”, giáo sư tiết lộ.
GS. Trịnh Xuân Thuận (SN 1948) là một khoa học gia người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, đến nay cuộc đời ông có thể chia làm ba phần: một phần dành cho nghiên cứu khoa học, một phần cho giảng dạy và phần còn lại để viết sách. Ông đã viết nhiều tác phẩm có giá trị cao về vũ trụ học và những chiêm nghiệm về sự tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. GS. Trịnh Xuân Thuận đã nhận lãnh nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó có giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp và giải thưởng lớn Kalinga 2009 của UNESCO về những đóng góp trong việc phổ biến khoa học vũ trụ.
Doãn Công