1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Giáo sư Nobel Hóa học “truyền lửa” cho thế hệ trẻ Việt Nam

(Dân trí) - Dù đánh giá Việt Nam đang rất khó khăn để nghiên cứu khoa học, nhưng GS Kurt Wuthrich- Nhà Nobel Hóa học năm 2002 người Thụy Sỹ đang khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam nghiên cứu và thực sự đầu tư vào nghiên cứu khoa học cơ bản.

Giáo sư Kurt Wuthrich - Nhà Nobel Hóa học năm 2002 người Thụy Sỹ giáo lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định
Giáo sư Kurt Wuthrich - Nhà Nobel Hóa học năm 2002 người Thụy Sỹ giáo lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định

Chiều 6/7, đông đảo học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tập trung về Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định để cùng giao lưu, trò chuyện với Giáo sư Kurt Wuthrich - Nhà Nobel Hóa học năm 2002 người Thụy Sỹ về chủ đề: “Cuộc đời khoa học của tôi - Từ Vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chuẩn đoán y học”.

Chương trình giao lưu do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Hội LHTN Việt Nam tỉnh, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức.

Với chủ đề: “Cuộc đời khoa học của tôi - Từ Vật lý cộng hưởng từ hạt nhân đến protein và chuẩn đoán y học”, GS Kurt Wuthrich có bài nói chuyện tổng quan về phương pháp phổ cộng hưởng từ hạt nhân áp dụng cho cơ thể con người chúng ta và các phân tử sống. Qua đó, để các bạn trẻ hiểu và yêu quý nghiên cứu khoa học.

Đông đảo học sinh, sinh viên giao lưu với Nhà Nobel Hóa học năm 2002
Đông đảo học sinh, sinh viên giao lưu với Nhà Nobel Hóa học năm 2002

Em Nguyễn Hoàng Long (học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) cho biết: “Qua buổi giao lưu với Giáo sư giúp em hiểu thêm về những công nghệ hiện đại trong việc điều trị bệnh của con người. Em cũng thấy thích thú với bộ môn khoa học này. Hiện tại em sẽ cố gắng học tập tốt, nếu có điều kiện em sẽ bước vào lĩnh vực nghiên cứu”.

Sau bài nói chuyện với giáo sư Kurt Wuthrich, nhiều bạn trẻ đang còn là học sinh nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi rất thú vị để nhà Nobel Hóa học trả lời.

Em Nguyễn Minh Phước (lớp 11 chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn) hỏi: Phương pháp phổ cộng hưởng từ có thể áp dụng để nghiên cứu về các quá trình chuyển hóa trong cơ thể sinh vật hay không?

Giáo sư Kurt Wuthrich trả lời: Kỹ thuật này có thể dùng ở nhiều thời điểm khác nhau nên chúng ta có thể dùng nghiên cứu các quá trình chuyển hóa trong cơ thể con người, có thể so sánh giữa người bệnh và người khỏe vì vậy hoàn toàn có thể nghiên cứu được.

Nhiều câu hỏi thú vị được các bạn học sinh đặt cho giáo sư trả lời
Nhiều câu hỏi thú vị được các bạn học sinh đặt cho giáo sư trả lời

Sinh viên Đặng Trung Hiếu (Trường CĐ Y tế Bình Định) hỏi: Xin giáo sư hãy cho biết ứng dụng của cộng hưởng từ hạt nhân trong chẩn đoán y học?

GS Kurt Wuthrich trả lời: Chúng tôi đang phát triển một kỹ thuật mới gọi là phổ cộng hưởng từ hạt nhân thiên chức năng. Chúng tôi tin với kỹ thuật mới này thì sẽ có nhiều ứng dụng hơn với các chẩn đoán trong y học.

Có học sinh lại đặt ra những câu hỏi rất thú vị không liên quan đến lĩnh vực giáo sư nghiên cứu. Một bạn hỏi: Có bao giờ giáo sư nản lòng và muốn từ bỏ nghiên cứu của mình chưa? Những lúc như vậy động lực nào giúp giáo sư tiếp tục kiên trì con đường của mình?

Nhà Nobel vui vẻ đáp: “Rất may đến bây giờ tôi chưa bao giờ thấy chán nản và tới bây giờ tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ”.

Làm khoa học thì cần phải yêu thích nó và không được bỏ cuộc

Tại buổi giao lưu cũng có bạn trẻ băn khoăn hỏi về giáo sư có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đam mê khoa học vật lý ở Việt Nam không?

Giáo sư Kurt Wuthrich chia sẻ: “Muốn làm khoa học chưa phải tò mò, khám phá nhưng quan trọng là phải yêu thích nó, càng khó khăn càng phải tìm tòi nghiên cứu không được bỏ cuộc”.

Giáo sư Kurt Wuthrich giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định
Giáo sư Kurt Wuthrich giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tỉnh Bình Định

“Hiện tại, tôi thấy rất là khó khăn để nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, nhưng tôi tin rằng mọi thứ sẽ được phát triển nhanh hơn. Ở Việt Nam tương đối khó khăn để bắt đầu sự nghiệp khoa học nên các bạn trẻ cần phải học thật giỏi để ra nước ngoài. Ví dụ, 100 giảng viên ở Việt Nam thì nhận được số tiền để nghiên cứu ít hơn 1 giáo sư ở Thụy Sĩ. Và điều này tôi nghĩ cần nhanh thay đổi nếu muốn khoa học Việt Nam phát triển”, giáo sư Kurt Wuthrich nói.

Nói về việc nhận lời GS. Trần Thanh Vân qua Việt Nam tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII, nhà Nobel Kurt Wuthrich chia sẻ: “Tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam nghiên cứu và thực sự đầu tư vào nghiên cứu khoa học cơ bản. Đây là lần đầu tiên tôi gặp GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam nhưng tôi rất ngưỡng mộ giáo sư Vân vì đã cố gắng để có thể đưa đến Hội nghị này giúp khoa học cho Việt Nam phát triển”.

Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định tặng hoa cho GS. Kurt Wuthrich
Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định tặng hoa cho GS. Kurt Wuthrich
Nhiều học sinh xin chữ ký giáo sư
Nhiều học sinh xin chữ ký giáo sư
Nhiều bạn nán lại đến cuối buổi để xin chữ ký và chụp hình lưu niệm với giáo sư
Nhiều bạn nán lại đến cuối buổi để xin chữ ký và chụp hình lưu niệm với giáo sư

Giáo sư Kurt Wüthrich - Nobel Hóa học năm 2002 là nhà hóa học, nhà vật lý, nhà toán học người Thụy Sĩ. Ông đoạt giải Nobel Hóa học năm 2002 cùng với Tanaka Koichi và John B. Fenn cho công trình nghiên cứu về việc dùng phổ cộng hưởng từ để xác định cấu trúc ba chiều của các đại phân tử sinh học trong dung dịch. Ông tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Đại học Basel (Thụy Sĩ) năm 1964. Hiện, ông đảm nhiệm các chương trình và dự án nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở ETH Zurich và Viên nghiên cứu Scripps tại La Jolla, Califonia, là thành viên của ban cố vấn Lễ hội khoa học và công nghệ Hoa Kỳ, thành viên nước ngoài của Hội Hoàng Gia Thụy Điển từ năm 2010.

Doãn Công