1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Giáo sư Đại học Oxford: Giải thưởng VinFuture nâng tầm vị thế các nước mới nổi

Trường Thịnh

(Dân trí) - "Giải thưởng toàn cầu với giá trị từ Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi, có ý nghĩa rất lớn. Điều này chứng tỏ, các nền kinh tế mới nổi là đối tác bình đẳng trong cuộc chơi đổi mới sáng tạo", GS Soumitra Dutta - Đại học Oxford (Anh) chia sẻ.

Đây là những chia sẻ của Giáo sư Soumitra Dutta nhân chuyến công tác Hà Nội tuần qua để trình bày Kết quả Báo cáo Nghiên cứu đổi mới sáng tạo cấp ngành VIIR, do Viện Portulans (Hoa Kỳ) phối hợp với nhóm chuyên gia trường Đại học VinUni thực hiện.

Giáo sư Đại học Oxford: Giải thưởng VinFuture nâng tầm vị thế các nước mới nổi - 1
Giáo sư Soumitra Dutta chụp cùng nhóm sinh viên Thạc sĩ Điều hành cao cấp Quản trị Kinh doanh (Executive MBA) tại Trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford trong lễ tốt nghiệp mùa hè năm 2023 (Ảnh: NVCC).

Truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai

Giáo sư nhận định thế nào về vai trò của các giải thưởng toàn cầu như Giải thưởng VinFuture? 

- Theo tôi, các giải thưởng có hai mục đích chính: vinh danh và truyền cảm hứng. Những người đã đạt được thành tựu tuyệt vời qua quá trình làm việc bền bỉ, không ngừng nỗ lực và cống hiến xứng đáng được ghi nhận. Việc giải thưởng VinFuture ghi nhận những thành tựu như vậy đã tạo nên các hình mẫu truyền cảm hứng, để từ đó các chuyên gia và sinh viên sẽ noi gương những người tiên phong.

Con người học hỏi bằng việc theo gương người khác và cũng được truyền cảm hứng từ những thành công của họ. Vì vậy, các giải thưởng không chỉ nhằm ghi nhận thành công của thế hệ hôm nay mà quan trọng hơn là truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai tiếp bước họ làm tốt hơn nữa.

Hợp tác và nghiên cứu liên ngành để thúc đẩy đổi mới, tiến tới giải quyết những thách thức cấp bách của nhân loại đang là vấn đề đặt ra với thế giới. Theo giáo sư, giải thưởng VinFuture có thể đóng góp gì cho quá trình này?

- Để giải quyết những thách thức lớn cần một cách tiếp cận tổng thể và có hệ thống, tích hợp nhiều quan điểm từ các chuyên ngành khác nhau. Cách tiếp cận đơn ngành là không đủ. Hầu như tất cả vấn đề quan trọng đều yêu cầu sự kết hợp đa ngành.

Tuy nhiên, việc triển khai các phương pháp tiếp cận đa chiều, toàn diện và có hệ thống cũng là một thách thức. Tôi hiểu rõ tầm quan trọng của việc bứt phá khỏi các ranh giới. Các giải thưởng toàn cầu như giải thưởng VinFuture có thể giúp thúc đẩy sự hợp tác liên ngành và giúp mọi người nhận thức đúng về tầm quan trọng của sự hợp tác đó.

Các nền kinh tế mới nổi là đối tác bình đẳng trong cuộc chơi toàn cầu

Giáo sư Đại học Oxford: Giải thưởng VinFuture nâng tầm vị thế các nước mới nổi - 2
Giáo sư Soumitra Dutta tin tưởng giải thưởng VinFuture sẽ khuyến khích các nhà khoa học ở các nước đang phát triển tạo ra thế hệ công nghệ và những giải pháp sáng tạo mới (Ảnh: VFT).

Nói về những thách thức chung toàn cầu, theo giáo sư, các nước đang phát triển phải đối mặt với những vấn đề lớn nào và đâu là hướng giải quyết?

- Các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có nhiều vấn đề tương tự nhau. Một mặt, họ cần phát triển kinh tế và tạo ra của cải nhằm cải thiện cuộc sống người dân. Mặt khác, họ phải thực hiện nhiệm vụ trên một cách có trách nhiệm và bền vững. Điều này đòi hỏi khuôn khổ thể chế, các quy tắc và lối quản trị, cùng hệ thống xã hội phù hợp.

Do đó, những giải thưởng toàn cầu như VinFuture sẽ kích thích đầu tư cho khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, đầu tư cho khoa học và công nghệ rất tốn kém, đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ về nhân tài và nguồn lực trong quá trình xây dựng nền khoa học công nghệ tiên tiến hàng đầu.

Nhóm các nước đang phát triển thường tập trung nhiều hơn vào các giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường (market pull), sử dụng công nghệ hiện hành, kết hợp chúng theo cách phù hợp để triển khai trong bối cảnh thị trường hiện tại. Đây được gọi là "đổi mới sáng tạo tiết kiệm" (frugal innovation), mà về cơ bản không dựa trên các công nghệ mới. Thay vào đó, phương án này tận dụng công nghệ hiện có, triển khai với giá cả phải chăng, và phù hợp với thị trường địa phương.

Tuy nhiên, các nước mới nổi cần đầu tư nhiều hơn nữa vào khoa học chuyên sâu, công nghệ chuyên sâu, và làn sóng công nghệ kỹ thuật số tiếp theo nhằm hưởng lợi từ những cải tiến trong tương lai. Nếu thất bại, họ sẽ bị tụt lại phía sau, khoảng cách mở rộng thêm và càng khó thu hẹp.

Giáo sư kỳ vọng những giải thưởng như VinFuture sẽ giúp gì trong đầu tư nghiên cứu khoa học và đối mới sáng tạo, từ đó góp phần giải quyết những thách thức tại các nước đang phát triển?

- Giải thưởng VinFuture và các giải thưởng tương tự có ý nghĩa quan trọng vì ghi nhận tầm quan trọng của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tại các thị trường mới nổi. Hầu hết các giải thưởng khoa học lớn thường được trao ở các nền kinh tế phát triển. Do đó, một giải thưởng toàn cầu với giá trị lớn đến từ Việt Nam - một nền kinh tế mới nổi - có ý nghĩa rất lớn. Điều này chứng tỏ với thế giới rằng các nền kinh tế mới nổi là đối tác bình đẳng trong cuộc chơi đổi mới sáng tạo.

Tôi hy vọng giải thưởng VinFuture sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng cho các nhà phát minh và nhà khoa học tại các thị trường mới nổi. Tôi cũng tin rằng giải thưởng VinFuture sẽ nâng cao vị thế và tầm quan trọng của các thị trường mới nổi trong công cuộc đổi mới toàn cầu, khuyến khích các nhà khoa học ở các nước đang phát triển tạo ra thế hệ công nghệ tiếp theo và những giải pháp sáng tạo mới.

Giáo sư Soumitra Dutta hiện là Giáo sư Quản lý và Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford - ngôi trường trong nhiều năm liên tiếp kể từ 2016 đã được tạp chí Times Higher Education xếp hạng đầu tiên trong danh sách "Những trường đại học tốt nhất thế giới". Giáo sư là người sáng lập và đồng biên tập 14 báo cáo thường niên của Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (Global Innovation Index) được xuất bản cùng với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Giáo sư Dutta đã đồng biên tập của 16 Báo cáo Công nghệ Thông tin Toàn cầu thường niên (Global Information Technology Report) cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về tác động của công nghệ thông tin đối với sự phát triển và năng lực cạnh tranh quốc gia.