Trà Vinh:
Giảng viên ĐH Trà Vinh nghiên cứu giống lúa thích nghi hạn, mặn
(Dân trí) - Đầu 2016, tiến sĩ Phạm Thị Phương Thúy – Giảng viên trường ĐH Trà Vinh cùng các nông dân ở xã Châu Điền (huyện Cầu Kè) thực hiện việc lai tạo nhiều giống lúa có đặc tính nổi bật... Kết quả nhóm nghiên cứu tiến sĩ Thúy đã lai tạo được giống lúa chịu được hạn, mặn và giàu dinh dưỡng.
Từ trăn trở muốn giúp người nông dân có được giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là khả năng chịu hạn, mặn, tiến sĩ Phạm Thị Phương Thúy quyết tâm thực hiện dự án “chọn dòng phân ly tổ hợp lúa thuần thích nghi với mặn, hạn và giàu dinh dưỡng”. Theo tác giả, mục tiêu của dự án là chọn ra những dòng thuần mang một số đặc tính nổi bật gồm năng suất tốt đồng thời chịu đựng được điều kiện hạn, phèn, mặn và cho phẩm chất gạo ngon.
Dự án này được thực hiện từ năm 2016 và chia thành hai giai đoạn. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sưu tập bốn giống lúa thuần từ Bến Tre, An Giang, Tiền Giang có đặc điểm chịu mặn tốt với điều kiện khô hạn, thích nghi trên đất nghèo dinh dưỡng, chống chịu được sâu bệnh,… sau đó tiến hành lai tạo thành bốn tổ hợp giống bằng phương pháp lai hữu tính.
Qua 6 vụ thí nghiệm, dự án đã đạt một số kết quả và được trình bày tại hội thảo cùng với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý và các nông dân diễn ra tại ĐH Trà Vinh vào 10/12 vừa qua, nhằm phóng thích giống để cho sản xuất đại trà.
Nhóm nghiên cứu cho biết, Dự án sử dụng phương pháp hỗn dòng ở F2 và các F tiếp theo chọn dòng lai ưu tú nhiều thế hệ theo hình thức loại dần các cá thể không đạt mục tiêu. Kết quả số dòng được chọn là 288 dòng từ 1200 dòng ban đầu. Thời gian sinh trưởng các dòng đã tuyển chọn qua hai vụ từ 75 – 95 ngày; cây cao dao động từ 51 – 86cm và khả năng chịu hạn đã phát hiện 44 dòng trong tổ hợp lai. Về khả năng chịu mặn đã phát hiện được 60 dòng có khả năng chịu mặn đến 1-3‰, nhiều dòng chịu mặn đến 10‰ nhưng năng suất thấp.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thúy tại buổi hội thảo (diễn ra vào 10/12 vừa qua) về kết quả bước đầu của giống lúa tiến sĩ Thúy lai tạo
Kết quả nghiên cứu cũng phát hiện 288 dòng có khả năng chống chịu rầy nâu, kháng đạo ôn, đây là dòng thích nghi cho đất nghèo dinh dưỡng, chống chịu nhiều dịch bệnh trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt hiện nay.
Trong vụ thu đông 2017 – 2018, được trồng thí nghiệm tại khu đất nghèo dinh dưỡng – Khu thực nghiệm của Trường, năng suất dự đoán từ 5 – 6 tấn/ha. Lúa cho hạt bầu và hạt dài, đã xác định được chất lượng của ba tổ hợp lai cho gạo khô cơm, mềm cơm và giàu sắt.
Với kết quả nghiên cứu này, nhóm thực hiện đề tài cho rằng những giống lúa cho chất lượng gạo khác nhau sẽ phù hợp với phân khúc người tiêu dùng từ chất lượng gạo ngon đến giàu dinh dưỡng.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thúy cho biết, hiện nay đã có nhiều giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả ngành lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện nước biển dâng ở vùng ĐBSCL. Một trong những giải pháp đó là tạo ra giống lúa có khả năng chịu hạn, mặn.
Ở giai đoạn tiếp theo, dự kiến giống lúa của các dòng này sẽ được phóng thích và sản xuất đại trà, đưa giống lúa mới đến các hộ nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện quy trình phân loại, chọn lọc giống và tiến hành đăng ký công nhận giống quốc gia.
Dự án nghiên cứu “chọn dòng phân ly tổ hợp lúa thuần thích nghi với mặn, hạn và giàu dinh dưỡng” được sự tài trợ của các nhà khoa học là những kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài tâm huyết để phát và sản xuất nông nghiệp bền vững, đặc biệt mong muốn các nhà khoa học của trường cùng nghiên cứu các giống lúa, màu thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Nguyễn Hành - Thanh Sơn