“Giải thưởng tạo động lực lớn cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu”
(Dân trí) - “Nhận được giải khoa học công nghệ năm nay là một niềm vinh dự lớn, tạo động lực lớn cho chúng tôi tiếp tục nghiên cứu đưa ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của quân đội” – Kỹ sư, Thiếu tá Đoàn Ngọc Hiệp chia sẻ với Dân trí sau khi được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.
Theo Kỹ sư Đoàn Ngọc Hiệp, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt là một giải thưởng lớn có uy tín và tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những tài năng CNTT, góp phần giúp các tác giả đưa sản phẩm của mình ra cộng đồng. Đồng thời giải thưởng còn tôn vinh các tài năng ở các lĩnh vực quan trọng như: khoa học công nghệ, Y dược, Môi trường và khuyến tài.
Theo đánh giá của các nhà khoa học uy tín thì công trình nghiên cứu của các anh là rất xuất sắc. Quan trọng hơn cả là chúng đã làm chủ được công nghệ. Vậy cơ duyên nào mà các anh quyết định nghiên cứu thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo?
Kỹ sư Đoàn Ngọc Hiệp: Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cũng như là qua trao đổi với bộ đội ở các khu vực biên giới, hải đảo thì khả năng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện đêm tối gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là trong việc phát hiện đột nhập từ xa, các loại khí tài nhất là khí tài quang điện tử rất nhanh bị hư hỏng, xuống cấp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Trên cơ sở đó chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo chỉ huy đơn vị báo cáo tổng cục Công Nghiệp Quốc phòng cho mở đề tài “Nghiên cứu thiết kế chế thử kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo”.
Thử nghiệm kính quan sát đêm tầm xa.
Mục tiêu của đề tài là thiết kế, xây dựng bộ tài liệu thiết kế (bản vẽ sản phẩm, điều kiện kỹ thuật nghiệm thu, thuyết minh kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng), chế tạo được sản phẩm kính quan sát đêm theo nguyên lý khuếch đại ánh sáng mờ có tầm quan sát xa (với mục tiêu người phát hiện lên tới 3km trong điều kiện ánh sáng yếu ban đêm), có khả năng chịu đựng được môi trường khắc nghiệt của biển, đảo.
Quá trình nghiên cứu nhóm tác giả có gặp nhiều khó khăn hay không? Các anh đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
Kỹ sư Đoàn Ngọc Hiệp: Có thể nói việc đề xuất và nhận thực hiện một đề tài có ứng dụng các kỹ thuật cao và trong nước chưa có đơn vị nào thực hiện là một việc làm hết sức mạnh dạn của chúng tôi khi đó còn là một kỹ sư trẻ (quân hàm thượng úy -PV). Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo chỉ huy đơn vị nhóm thực hiện đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đã làm chủ từ thiết kế đến công nghệ chế tạo kính quan sát đêm tầm xa trên cơ sở dây chuyền thiết bị và vật tư ở trong nước.
Tuy nhiên quá trình nghiên cứu gặp không ít khó khăn ở một số khâu đặc biệt là lần đầu tiên thiết kế kính quan sát đêm có độ phóng đại lớn, công nghệ mạ màng mỏng quang học trong chân không cao, công nghệ gia công chế tạo thấu kính, gương có độ chính xác cao có đường kính lớn, công nghệ chống mốc và đánh giá chịu tác động khốc liệt của môi trường.
Có những lúc tưởng chừng thất bại phải dừng lại để nghiệm thu khối lượng nhưng bằng sự quyết tâm của nhóm thực hiện cũng như của lãnh đạo đơn vị nhóm thực hiện đã phải tiến hành tính toán nghiên cứu và thực nghiệm nhiều lần để tìm ra quy luật, từ đó tiến hành xây dựng quy trình công nghệ cho chế tạo.
Với một sản phẩm tích hợp rất nhiều công nghệ: công nghệ gia công cơ khí chính xác, công nghệ quang học, điện tử, màng mỏng, hóa chất … nên nhóm nghiên cứu đã phải tổ chức phát huy được sức mạnh của đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề tại đơn vị.
Để nghiên cứu thành công một công trình khoa học thiết thực cho cuộc sống thì theo anh cần những yếu tố gì? Lời khuyên của anh dành cho các bạn trẻ đam mê khoa học?
Kỹ sư Đoàn Ngọc Hiệp: Để nghiên cứu thành công một công trình khoa học thiết thực cho cuộc sống điều đầu tiên phải xuất phát từ thực tiễn, trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn vận dụng linh hoạt các kiến thức khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra thì khi đó sản phẩm nghiên cứu ra mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Đối với các bạn trẻ muốn thành công trong khoa học điều đầu tiên cần phải có niềm đam mê nghiên cứu, theo đuổi đến cùng với ý tưởng của mình. Không ngại khó khăn và đòi hỏi đáp ứng cho lợi ích cá nhân. Phát huy tốt việc làm việc theo nhóm để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và giúp cho sản phẩm nghiên cứu toàn diện hơn.
Cảm ơn anh Hiệp đã chia sẻ cùng với bạn đọc của báo Dân trí
Nguyễn Hùng (Thực hiện)