1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giải thích khái niệm đa vũ trụ dưới góc nhìn khoa học

Tạ Hữu Thắng

(Dân trí) - Trong những phần phim mới đây của Marvel, khán giả đã có cơ hội được tiếp xúc với khái niệm "đa vũ trụ", một vũ trụ song song nơi có Trái Đất và những con người giống với chúng ta.

Giải thích khái niệm đa vũ trụ dưới góc nhìn khoa học - 1
Bộ phim Dr. Strange trong đa vũ trụ hỗn loạn đã khiến nhiều khán giả thích thú với khái niệm đa vũ trụ.

"Đa vũ trụ" có thật sự tồn tại?

Trong các phần phim của Marvel như Người Nhện: Không còn nhà, hay Dr. Strange trong đa vũ trụ hỗn loạn, sự giao thoa của các vũ trụ đều là do ma thuật gây nên, nhưng trong thực tế, ma thuật không hề tồn tại. Vậy, Marvel đã mượn ý tưởng về đa vũ trụ nào từ khoa học và ý tưởng nào hoàn toàn là giả tưởng? Đã có rất nhiều giả thuyết và các lý luận khác nhau về sự tồn tại của 'đa vũ trụ'; tuy nhiên các giả thuyết và lý luận sau đây là nổi bật hơn cả: Vũ trụ cực kì rộng lớn và khả năng một Trái Đất khác tồn tại là rất cao.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, loài người đã có thể chế tạo ra các loại kính viễn vọng có thể theo dõi các hình ảnh trong vũ trụ cách xa Trái Đất hàng tỉ năm ánh sáng, nhưng vũ trụ mà chúng ta biết thì rộng lớn hơn rất nhiều và kiến thức về vũ trụ của loài người hiện vẫn đang gói gọn trong những gì mà chúng ta đã quan sát được.

Trong phim của Marvel, "đa vũ trụ" có tồn tại và con người có khả năng du hành giữa các vũ trụ này với sự giúp ích của ma thuật. Theo Albert Einstein, chúng ta không thể du hành trong vũ trụ với vận tốc nhanh hơn ánh sáng. Tuy nhiên, vào năm 1935, Einstein và nhà vật lý học Nathan Rosen đã dựa trên thuyết tương đối tổng quát để đưa ra lý thuyết về sự tồn tại của 'lỗ sâu' (tên khác là Cầu Einstein - Rosen). Theo lý thuyết này, "lỗ sâu" là cầu nối giữa hai điểm trong không thời gian của vũ trụ. Và khi dịch chuyển qua "lỗ sâu", chúng ta có thể du hành một khoảng cách cực lớn trong vũ trụ mà không hề bị thời gian ảnh hưởng nhiều.

Giải thích khái niệm đa vũ trụ dưới góc nhìn khoa học - 2

Ảnh minh họa một "lỗ sâu" kết nối hai điểm xanh và vàng. Khi di chuyển qua "lỗ sâu" chúng ta có thể bỏ qua sự bẻ cong của không thời gian trong vũ trụ.

Dựa trên lý thuyết "lỗ sâu" này, loài người có thể tới một điểm cực kì xa xôi trong vũ trụ và chúng ta có thể sẽ tìm ra được một Trái Đất mới tương tự như Trái Đất chúng ta đang sinh sống.

Giả thuyết đa vũ trụ rời rạc

Vũ trụ mà chúng ta biết có niên đại ước tính vào khoảng 13,8 tỷ năm, nên bất cứ thứ gì nằm ngoài phạm vi 13,8 tỷ năm ánh sáng hiện vẫn đang là ẩn số. Tuy nhiên, nếu coi mỗi vũ trụ là một phần riêng biệt, vậy thì khả năng tồn tại một vũ trụ giống với vũ trụ mà chúng ta sinh sống là rất cao.

Marvel cũng đã khai thác giả thuyết này rất triệt để. Như trong phần phim "Người Nhện: Không còn nhà", Peter Parker đã gặp mặt những người xấu đều biết Peter là ai nhưng họ đều có cùng một câu hỏi: "Cậu là ai? Cậu không phải Peter mà chúng tôi biết".

Giải thích khái niệm đa vũ trụ dưới góc nhìn khoa học - 3

"Người Nhện: Không còn nhà" đã khai thác triệt để giả thuyết đa vũ trụ rời rạc khi Peter Parker gặp mặt các bản sao của mình

Về mặt khoa học, vũ trụ được cấu tạo bởi nguyên tử theo một công thức cụ thể. Nghe có vẻ khó tin, nhưng sự thật hoàn toàn là như vậy, nên việc một bản sao khác của Trái Đất hay một bản sao chỉ khác một số chi tiết nhỏ chắc chắn phải tồn tại, hoặc thậm chí là rất nhiều.

Sự giãn nở của vũ trụ và vụ nổ Big Bang

Giả thuyết vũ trụ ban đầu chỉ là một vùng rất nhỏ sau đó giãn nở rất nhanh trong một quả cầu lửa siêu nóng - hay còn gọi là vụ nổ Big Bang. Trong một phần rất nhỏ của một giây sau vụ nổ đó, vũ trụ giãn nở theo tốc độ vượt qua ánh sáng và quá trình này được gọi là "lạm phát".

Lý thuyết lạm phát giải thích vì sao vũ trụ tương đối đồng đều ở những nơi loài người quan sát được. Tuy nhiên, trạng thái ban đầu của vũ trụ có thể bị xáo trộn bởi các thay đổi rất nhỏ. Các vùng thăng giáng này cũng sẽ lại giãn nở mạnh theo kiểu lạm phát. Theo các quan điểm hiện nay, Big Bang đã xảy ra nhất nhiều lần ở các vùng thăng giáng khác nhau; vậy nên đâu đó ngoài vũ trụ, đã tồn tại một vùng chân không nhỏ, một vụ nổ Big Bang mới lại xảy ra và từ đó tạo ra một vũ trụ mới. Điều này được gọi là "lạm phát vĩnh cửu", sẽ có vô số vũ trụ được tạo ra và phát triển cùng nhau, nhưng chúng đều di chuyển rất nhanh, nhanh tới mức ánh sáng cũng không thể bắt kịp.

Vậy đa vũ trụ có thật sự tồn tại?

Từ các giả thuyết và lý thuyết trên, đa vũ trụ hoàn toàn có khả năng tồn tại, mặc dù nó vẫn nằm trong lý thuyết về vũ trụ học của loài người. Hiện các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm kiếm các bằng chứng xác thực hơn để chứng minh cho giả thuyết "đa vũ trụ" này.