1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giải thích điều kỳ lạ của khoa học

(Dân trí) - <i>Dân trí</i> đã thử tài bạn đọc về một clip được ghi tại hiện trường cho thấy, người đàn ông cầm xô nước sôi sau đó đổ trực tiếp vào chiếc chậu làm cho khói màu trắng bốc lên ngùn ngụt. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì?

Sự kỳ diệu của khoa học: Bạn có thể giải thích?

Không ít bạn đọc cho rằng đó là một phản ứng hóa học nào đó, nhưng nếu quan sát kỹ clip thì ta sẽ thấy rất nhiều người đứng xung quanh, nếu điều này là đúng thì vô cùng nguy hiểm.

Có bạn thì cho rằng đây là đá khô khi dội nước sôi nào thì xảy ra hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, tại hiện trường ghi nhận clip này không có đã khô.

Clip mà các bạn xem ở đây được ghi lại tại một cuộc thi về nấu ăn. Người ta dùng nitơ lỏng để bảo quản thực phẩm. Khi cuộc thi kết thúc, ni tơ lỏng còn thừa được cho vào chậu và người ta dội nước nóng từ trên xuống dẫn đến xảy ra hiện tượng trên.

Theo thầy Lưu Kim Bôi – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), nitơ lỏng là nitơ trong một trạng thái lỏng ở nhiệt độ rất thấp. Nó được sản xuất công nghiệp bằng cách chưng cất phân đoạn không khí lỏng. Nitơ lỏng là một chất lỏng trong suốt không màu, có trọng lượng riêng 0,807 g/ml ở điểm sôi của nó và một hằng số điện môi 1.4.

Ở áp suất khí quyển, nitơ lỏng sôi ở nhiệt độ 77 độ K (-196 °C, -321 °F) và là một chất lỏng đông lạnh có thể gây đóng băng nhanh chóng khi tiếp xúc với mô sống, có thể dẫn đến bị tê cóng. Khi được cách nhiệt thích hợp với nhiệt độ xung quanh, nitơ lỏng có thể được lưu trữ và vận chuyển, ví dụ trong bình chân không.

Khi để nitơ lỏng ở ngoài không khí thì chúng ta có thể quan sát được hiện tượng sôi và bốc hơi. Khi chúng ta tăng nhiệt độ lên một cách đột ngột (dội nước sôi vào) thì hiện tượng bốc hơi càng mạnh dẫn đến tạo thành các cột khói. Chính vì thế ở các sân khấu biểu diễn, khi muốn tạo khói thì người ta thường dùng nitơ lỏng.

Nguyễn Hùng