Giải pháp về cách phòng, chống bệnh cúm lợn
(Dân trí) - Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết, thạc sĩ Trịnh Thị Tuyết và các cộng sự Chi cục Thú y Hải Phòng vừa báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài: “Sự lưu hành virus, xác định một số yếu tố nguy cơ gây bệnh cúm lợn và đề xuất biện pháp phòng, chống bệnh”. Kết quả nghiên cứu đã bước đầu cung cấp cho các hộ chăn nuôi một số biện pháp phòng, chống bệnh cúm trên đàn lợn
Bệnh cúm lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vius cúm typ A, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra ở lợn mọi lứa tuổi, với các biểu hiện như: lợn nằm co cụm một chỗ, da mẩn đỏ, sốt, bỏ ăn, ho, chảy nhiều nước mũi, thở khó, viêm phổi, tổn thương niêm mạc phế quản, có dịch nhầy trong phế quản…. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp và thường gặp vào giai đoạn chuyển mùa.
Để xác định được chủng virus gây bệnh cúm, nhóm nghiên cứu đã triển khai giám sát, lấy mẫu tại các hộ chăn nuôi lợn tại 12 xã thuộc 6 huyện trên địa bàn thành phố và chia làm 3 đợt, đánh giá trên căn cứ mẫu Sawb và mẫu huyết thanh. Kết quả cho thấy, một số nguy cơ liên quan đến bệnh cúm lợn là: nuôi chung nhiều loại động vật (tăng nguy cơ mắc bệnh cúm lên 4,5 lần); nguồn gốc con giống không rõ ràng (tăng nguy cơ mắc bệnh cúm lên 3,85 lần); việc nuôi cách ly ban đầu khi mới nhập giống chưa được hộ chăn nuôi thực hiện đúng (tăng nguy cơ mắc bệnh cúm cao hơn 3,4 lần). Bên cạnh đó, việc vệ sinh tiêu độc khử trùng trong quá trình nuôi không tốt; không tiêm đầy đủ vacxin phòng bệnh; các yếu tố con người (thương lái, khách tham quan…) cũng như sự thiếu hiểu biết về bệnh cúm cũng là những nguyên nhân gây bệnh cúm lợn.
Xuất phát từ thực tế đó, nhằm hạn chế những thiệt hại do bệnh gây ra, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các biện pháp phòng, chống bệnh cúm lợn trong cả trường hợp lợn chưa bị nhiễm bệnh và lợn đã nhiễm bệnh.
Lhi lợn chưa bị nhiễm bệnh, người chăn nuôi cần nâng cao hiểu biết về bệnh, chủ động giám sát và phát hiện bệnh sớm, thường xuyên vệ sinh khu chăn nuôi và các dụng cụ chăn nuôi. Đối với vùng chưa có sự lưu hành virus cúm cần áp dụng thêm các biện pháp tiêm phòng, khuyến khích chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tăng cường kiểm dịch… Đối với vùng có sự lưu hành của virus cúm, cần cách ly, can thiệp bằng các sản phẩm thú y và mạnh dạn loại thải lợn nái nhiễm cúm để không ảnh hưởng đến đàn lợn con.
Khi phát hiện lợn nhiễm cúm, cần cách ly ngay những lợn nghi nhiễm bệnh, theo dõi chặt chẽ đàn lợn bị phơi nhiễm, sử dụng các loại thuốc (thuốc bổ, vitamin, B Complex) để bổ sung cho lợn, sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn hoặc tiêm để phòng bội nhiễm…
Kết quả nghiên cứu này cũng vừa được báo cáo trước Hội đồng Khoa học của Thành phố Hải Phòng.
S.H