Giải mã sự cố bí ẩn trong chuyến thám hiểm đèo Dyatlov ở Nga

Trang Phạm

(Dân trí) - Một trong những bí ẩn lâu đời và bi thảm nhất của lịch sử thám hiểm của Nga gần đây cuối cùng cũng có lời giải.

Các nhà khoa học cho biết họ có lời giải thích hợp lý mới nhất cho những gì có thể dẫn đến cái chết của 9 người leo núi trong chuyến thám hiểm định mệnh vào năm 1959.

Giải mã sự cố bí ẩn trong chuyến thám hiểm đèo Dyatlov ở Nga - 1

Sự kiện nổi tiếng được gọi là sự cố đèo Dyatlov đã dẫn đến hàng chục thuyết âm mưu trong nhiều thập kỷ kể từ khi nó xảy ra. Nhiều người cho rằng sự cố có liên quan đến cuộc tấn công của người tuyết bí ẩn, người ngoài hành tinh và các thí nghiệm với siêu vũ khí của Liên Xô v.v…

Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học, thảm kịch là một cái gì đó khác, mặc dù từ bất kỳ quan điểm nào thì sự thật vừa ghê rợn vừa kỳ lạ. Chính xác làm thế nào mà 9 người đi bộ đường dài và trượt tuyết có kinh nghiệm này đột nhiên tử vong vào một đêm ở phía bắc dãy núi Ural?

Sau khi cả nhóm không đến đích đúng giờ, một nhóm cứu hộ đã được cử đi tìm họ. Những người tìm kiếm lần đầu tiên phát hiện ra lều của đoàn thám hiểm trên dốc Kholat Saykhl (có nghĩa là "Núi Chết" trong tiếng Mansi địa phương).

Căn lều của đoàn bị cắt từ bên trong như thể những người đi bộ đường dài phải vội vã chạy trốn khỏi nơi trú ẩn ban đêm của họ vì một thứ gì đó và chạy vào bóng tối lạnh giá.

"Một điều gì đó bất ngờ đã xảy ra sau nửa đêm khiến các thành viên đoàn thám hiểm đột ngột cắt lều từ bên trong và trốn vào một khu rừng, hơn 1 km xuống dốc, không có quần áo thích hợp, dưới nhiệt độ cực thấp (dưới -25 độ C). Các thi thể sau đó được phát hiện rải rác trong vài ngày, vài tuần và vài tháng sau đó.

Giải mã sự cố bí ẩn trong chuyến thám hiểm đèo Dyatlov ở Nga - 2
Hình ảnh căn lều được khám phá của đoàn thám hiểm sau sự cố.

"Trong khi hạ thân nhiệt được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến các cái chết, bốn người đi bộ đường dài đã bị thương nặng ở ngực hoặc sọ, hai người được tìm thấy bị mất mắt và một người không có lưỡi. Một số gần như khỏa thân và đi chân trần.

Giữa tất cả những phỏng đoán đầy màu sắc kì dị hơn đang nảy sinh về những gì đã xảy ra, những lời giải thích có cơ sở nhất gần đây cho thấy có thể đã có một trận tuyết lở trên dốc là yếu tố chính dẫn đến những cái chết. Nó buộc những người thám hiểm đang ngủ, không chuẩn bị trước đột ngột phải cắt đường ra khỏi lều và chạy đi.

Tuy nhiên, hoàn cảnh kỳ lạ của sự kiện đã khiến nhiều người bác bỏ nguyên nhân rõ ràng nhất này đó là độ dốc tương đối nông của núi, thiếu bằng chứng về một trận tuyết lở đã xảy ra, và một số thương tích không giống như các loại thương tích thường thấy trong tuyết lở.

Do những điều không chắc chắn như vậy, cuộc điều tra ban đầu của Liên Xô chỉ đơn giản là kết luận một "lực lượng tự nhiên bí ẩn" đã dẫn đến cái chết của các nhà thám hiểm. Nhiều thập kỷ sau, một cuộc điều tra mới của Nga đã đưa ra đánh giá lại về thảm kịch cho rằng một trận tuyết lở vẫn là nguyên nhân chính.

Mới đây, một cuộc điều tra độc lập của hai nhà nghiên cứu Gaume và Puzrin đã đi đến kết quả tương tự, nhưng với bằng chứng khoa học mới để chứng minh cho việc một trận tuyết lở có thể xảy ra như thế nào.

Mô hình của nhóm nghiên cứu cho thấy độ nông của Kholat Saykhl sẽ không ngăn được một trận tuyết lở kích hoạt vài giờ sau khi những người thám hiểm đi bộ đường dài cắt vào tuyết để tạo một vùng đệm tự nhiên chống lại gió.

Puzrin nói: "Nếu họ không cắt ngang con dốc thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Đó là kích hoạt ban đầu, nhưng chỉ điều đó thôi thì chưa đủ. Gió katabatic (loại gió thổi từ trên cao xuống) có thể đã làm trôi tuyết và cho phép tải trọng thêm từ từ tích tụ. Tại một thời điểm nhất định, một vết nứt có thể đã hình thành và lan rộng, gây ra tuyết lở.

Các mô phỏng khác do nhóm thực hiện đã xem xét những gì một phiến tuyết sẽ làm đối với con người nằm sấp trên ván trượt của họ. Lực tác động lên người đi bộ đường dài, bị đè bẹp giữa một trận tuyết dày và ván trượt cứng bên dưới, có thể đã gây ra một số thương tích nghiêm trọng.

Tất nhiên, vẫn còn một số câu hỏi chưa được giải đáp về sự cố đèo Dyatlov mà nghiên cứu này không giải quyết hết.

Có lẽ không ai có thể ngờ rằng bí ẩn bi thảm này hiện đã trở thành một phần của văn hóa dân gian Nga. Trước những lời giải thích mang tính chất huyền bí, các nhà nghiên cứu nói rằng căn cứ khoa học liên quan đến tuyết lở là điều hợp lý nhất.

Puzrin nhận định: "Sự thật là không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm đó. Nhưng chúng tôi cung cấp căn cứ định lượng mạnh mẽ cho rằng nguyên nhân tai nạn do tuyết lở là hợp lý hơn cả".