Giải mã hội chứng tự cho mình là... người ngoài hành tinh
(Dân trí) - Trong số chúng ta, một số người tự cho mình là... người ngoài hành tinh, có thể giao tiếp bằng "ngôn ngữ ánh sáng", là cầu nối giữa cõi thần thánh và Trái Đất. Vì sao lại như vậy?
Trong số chúng ta, có những người bị mắc hội chứng kỳ lạ, khi thực sự tin rằng họ đến Trái Đất từ các chiều không gian khác, qua đó giúp chữa lành hành tinh và hướng dẫn nhân loại bước vào một thời kỳ hạnh phúc, thịnh vượng.
Tin rằng mình là người ngoài hành tinh
Người ta dùng thuật ngữ "Star people", hay "starseed" để nói về những người này. Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng trên thực tế, một tìm kiếm trên Internet cho cụm từ này mang lại hơn 4 triệu kết quả.
Cùng với đó, có rất nhiều người đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram và Facebook với nội dung khẳng định rằng họ thực sự đến từ một thế giới khác. Cá biệt trên TikTok, hashtag #starseed đã có hơn 1 tỷ lượt người xem.
Vậy, hội chứng này thực sự ra sao, và những người này nghĩ gì khi tin rằng họ chính là người ngoài hành tinh?
Theo một tài liệu được Science Alert trích dẫn, các "starseed" tin rằng họ đã thức tỉnh từ một hành tinh khác để được sinh ra ở đây, trên Trái Đất này. Thậm chí, họ tin rằng mình chính là cầu nối giữa cõi thần thánh và Trái Đất, cũng như sở hữu khả năng dịch chuyển tâm trí giữa các thiên hà thông qua thiền định.
Một số Starseed còn tin rằng họ có thể giao tiếp bằng "ngôn ngữ ánh sáng" - một hình thức giao tiếp được cho là vượt qua giới hạn của con người và là ngôn ngữ của tâm hồn.
Ý tưởng này kỳ thực đã được ghi nhận một cách khá rộng rãi, chủ yếu bởi các tác phẩm khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết viễn tưởng. Trong đó phải kể tới tác giả Brad Steiger, người đã viết rất nhiều về những điều kỳ lạ chưa được công nhận liên quan đến sự sống ngoài hành tinh và người ngoài Trái Đất.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1976 của mình, với tựa đề "Gods of Aquarius" (tạm dịch: Thần Bảo Bình), Steiger đã đưa ra luận điểm của mình rằng một số người có nguồn gốc từ các chiều không gian khác.
Dần theo thời gian, quan điểm này không hề mất đi, mà còn trở nên vô cùng phổ biến, khiến cho nhiều người trước đây "ngoảnh mặt", nhưng rồi trở thành có cùng suy nghĩ.
Đó là bởi quan niệm không tin tưởng vào khoa học và nghi ngờ về những nhận thức thông thường về thực tại. Đặc biệt trong số đó, là sự hoài nghi về xã hội hiện đại và nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Giả tưởng hay viễn tưởng?
Dựa trên những nghiên cứu sâu rộng, các nhà khoa học tìm ra những cách để diễn tả suy nghĩ của Starseed. Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng điều này là chính xác, về thứ mà họ luôn nghĩ về.
Về cơ bản, những người này có thể mắc một hội chứng có tên là lỗi giám sát nguồn, nằm ở trí nhớ vô thức. Người mắc hội chứng này dễ bị nhầm lẫn giữa các khái niệm: điều gì là thực, điều gì là không thực, thế nào là chính xác, còn thế nào là tưởng tượng.
Đó cũng là các dấu hiệu thường thấy ở bệnh tâm thần phân liệt. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa chứng rối loạn nhân cách dạng phân liệt (một dạng nhẹ của bệnh tâm thần phân liệt) với niềm tin vào các thuyết âm mưu.
Tuy nhiên, mọi thứ có thể không đơn giản như vậy, khi những người này có thể mắc một hội chứng khác, liên quan tới sự nhầm lẫn bản thể học.
Nó xảy ra khi một ai đó không thể phân biệt giữa các câu nói ẩn dụ và thực tế, cũng như không biết đâu là nói đùa, nói thật.
Dẫu vậy, cần khẳng định rằng những quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, và không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho điều đó.