Giải mã hiện tượng chớp sáng bí ẩn lóe trên bề mặt Trái Đất
(Dân trí) - Hiện tượng chớp sáng bí ẩn trên bề mặt Trái Đất được quan sát thấy từ các tàu vũ trụ không gian đã là chủ đề gây nhiều tranh cãi nhiều thập kỷ nay. NASA mới đây cho biết họ đã tìm ra nguyên nhân lý giải cho hiện tượng kỳ lạ này.
Hiện tượng kỳ lạ này được nhà thiên văn học Carl Sagan và các đồng nghiệp của ông phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1990 từ hình ảnh chụp được từ tàu vũ trụ Galileo. Cho đến nay, EPIC – chiếc máy chụp hình Trái Đất đa sắc của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trên Đài quan sát khí tượng không gian sâu (DSCOVR) đã phát hiện gần 900 chớp sáng trên bề mặt Trái Đất.
Ban đầu, các nhà thiên văn học cho rằng những chớp sáng này được quan sát thấy từ không gian là do sự phản chiếu ánh sáng Mặt Trời của bề mặt các đại dương. Tuy nhiên, sau đó các nhà khoa học đã quan sát được các chớp sáng tương tự xuất hiện trên đất liền. Nguồn gốc của hiện tượng kỳ lạ này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thập kỷ qua.
Các thiết bị EPIC có thể đo độ cao của các đám mây, và trong trường hợp này chúng có thể ước lượng được các chớp sáng bắt nguồn từ những đám mây cao khoảng 5 đến 8 km trên bề mặt Trái Đất.
EPIC còn chụp được những bức ảnh màu đỏ, xanh lá cây và xanh dương riêng biệt, khiến chớp sáng dường như có ba màu. Nếu hiện tượng do ánh sáng Mặt Trời phản xạ gây ra, nhóm nghiên cứu suy đoán họ cần tập trung vào các vị trí đặc biệt trên Trái Đất, nơi góc tạo bởi Mặt Trời và Trái Đất tương tự góc giữa tàu vũ trụ và Trái Đất. Họ tìm ra hai vị trí đáp ứng điều kiện này.
Trong nghiên cứu mới đây của NASA, các nhà khoa học đặt giả thuyết những chùm sáng do nước trong tầng thượng quyển ở dạng tinh thể băng gây ra. Để tìm hiểu, họ dựng các góc phản xạ và sử dụng EPIC để đo độ cao của mây. Phân tích hé lộ vị trí mây ti trên cao, cách mặt đất 5 - 8 km, là nơi trông thấy những chớp sáng bí ẩn. Góc phản xạ chỉ ra các tinh thể băng nằm ngang.
"Nguồn phát ra chớp sáng không nằm trên mặt đất", Marshak nói. "Đó rõ ràng là do băng, nhiều khả năng là Mặt Trời phản chiếu trên các tinh thể băng này".
Khánh Duy (Theo IFLScience)