Giải mã cách thức hoạt động của “Máy phát hiện nói dối”
(Dân trí) - Trong các bộ phim trinh thám, chúng ta thường thấy cảnh sát sử dụng “Máy kiểm tra nói dối” để đánh giá độ tin cậy của lời khai từ các nghi phạm. Trên thực tế, cỗ máy này không phải là một sản phẩm “giả tưởng” mà hoàn toàn có thật. Thậm chí, máy kiểm tra nói dối còn được phát minh từ tận năm 1942.
Về nguyên lý nền tảng, tất cả các loại máy nói dối từ đơn giản cho đến phức tạp đều hoạt động bằng cách ghi nhận lại các chỉ số sinh học của người bị kiểm tra, theo thời gian thực. Trong đó, chủ yếu là các chỉ số như: nhịp tim, nhịp thở, huyết áp…Các kết quả sau khi ghi nhận sẽ được xử lý bởi con người hoặc chính cỗ máy bằng một thuật toán đặc biệt, để kết luận xem lời nói vừa được đối tượng đưa ra là thật hay giả.
Hiệu quả vận hành của máy nói dối còn phụ thuộc vào cách đặt câu hỏi cho nghi phạm của các chuyên gia. Thông thường, những câu hỏi đầu tiên sẽ được sử dụng để tạo nên bộ chỉ số sinh học gốc của đối tượng. Cụ thể, một loại câu hỏi sẽ hướng đối tượng đến việc nói dối và loại câu hỏi tiếp theo sẽ hướng đối tượng đến một câu trả lời chân thật.
Trong đa số các trường hợp, chuyên gia sẽ yêu cầu đối tượng viết một số vào tờ giấy. Sau đó, bắt đầu thẩm vấn bằng loạt câu hỏi đúng sai “Có phải bạn vừa viết số 1 không?”, “Có phải bạn vừa viết số 2 không?”. Tất cả các câu hỏi tiếp theo sẽ bắt đầu khai thác thông tin mà người điều tra cần biết. Kết quả ghi nhận lúc này sẽ được so sánh với kết quả của bộ câu hỏi gốc để xem nó giống với lời nói dối hay nói thật nhất.
Tuy nhiên, vì chỉ dựa trên cường độ kích thích của hệ thần kinh để phát hiện lời nói dối, cho nên cỗ máy này cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Đặc biệt là khi người bị kiểm tra có thể kiểm soát các chỉ số sinh học của mình một cách thành thạo, thì họ có thể vượt qua bài kiểm tra này khá dễ dàng.
Trên thực tế, trong lịch sử từng có nhiều gián điệp, điệp viên hay thậm chí là tội phạm sừng sỏ đã đánh lạc hướng được máy nói dối, khi bị buộc lấy lời khai.Ngoài ra, trong trường hợp lời khai là thật nhưng lúc đó nghi phạm đang trong tình trạng căng thẳng hoặc lo âu, kết quả kiểm tra trên máy sẽ lại cho đáp án ngược lại.
Cũng chính vì độ chính xác không quá cao, nên nhiều năm trở lại đây, máy kiểm tra nói dối chỉ được sử dụng như là một bằng chứng củng cố thêm cho quá trình điều tra, chứ rất ít khi dùng để luận tội trực tiếp, nhất là trong trường hợp đối tượng lấy lời khai thuộc loại “khó nhằn”.
Tuy nhiên, hiện nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu một thế hệ máy phát hiện nói dối mới, với phương thức hoạt động dựa trên các yếu tố có độ tin cậy cao, và đã đạt được những thành công bước đầu. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ vào một cỗ máy phát hiện nói dối có độ tin cậy 100%, trong tương lai không xa.
Thảo Vy
Theo Britanica