1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giải mã bí ẩn cách cá mập dùng từ trường Trái đất để… dò đường

Trang Phạm

(Dân trí) - Cá mập có thể bơi rất xa, nhưng cách chúng hoàn thành các cuộc di cư hàng năm mà không bị lạc đường lâu nay vẫn là điều bí ẩn.

Giải mã bí ẩn cách cá mập dùng từ trường Trái đất để… dò đường - 1

Một con cá mập đầu xẻng. Ảnh: ShutterStock.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cá mập có thể tìm đường bằng cách sử dụng từ trường của Trái đất.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology, các nhà nghiên cứu tuyên bố đã tìm thấy một số bằng chứng vững chắc đầu tiên liên quan đến kỹ năng nhận biết từ trường của cá mập.

Mặc dù khái niệm này không mới đối với khoa học, nhưng chưa ai chứng minh được vì rất khó kiểm tra ở cá mập. 

Bryan Keller, trưởng dự án Save Our Seas Foundation, thuộc Phòng thí nghiệm Biển và Bờ biển của Đại học Bang Florida (Mỹ), cho biết cá mập thực tế rất khó nghiên cứu.

Để thực hiện nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã chọn 20 con non thuộc loài cá mập đầu xẻng (Sphyrna tiburo), vì chúng không quá to lớn và được cho là có thể quay trở lại các địa điểm cụ thể trong một hồ bơi hình tròn.

Những tín hiệu từ trường xung quanh hồ bơi được mô phỏng và sau đó được sửa đổi để xem liệu chúng có ảnh hưởng đến hướng bơi của cá mập hay không. Nếu cá mập có thể đọc được từ trường để định hướng, chúng sẽ bơi theo một hướng để điều chỉnh sự dịch chuyển và quay trở lại điều kiện từ trường của địa điểm thử nghiệm. Kết quả thu được khiến các nhà khoa học bất ngờ, khi từ trường được cho đã ảnh hưởng tới hướng bơi của những con cá mập.

"Nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết rằng cá mập có thể sử dụng từ trường Trái đất để tìm đường. Đó là GPS của tự nhiên. Thật tuyệt làm sao khi một con cá mập có thể bơi một vòng 20.000 km trong một đại dương ba chiều và quay trở lại vị trí cũ. Đó thực sự là một điều đáng kinh ngạc! Trong một thế giới mà mọi người sử dụng GPS để điều hướng hầu hết mọi nơi, khả năng này thực sự đáng chú ý", nhà khoa học Bryan Keller nói.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng với bằng chứng thu được về khả năng nhận biết từ trường của cá mập có thể tiết lộ những hiểu biết mới về sự khác biệt di truyền giữa các quần thể hoang dã. Cấu trúc quần thể cũng có thể được kiểm soát bởi cảm giác từ tính này, có thể là phản ứng với từ trường của Trái đất ảnh hưởng đến vị trí của quần thể cá mập và di truyền của những cộng đồng đó.