Giải mã bí ẩn 1.400 năm về “bầu trời đỏ” kỳ lạ ở Nhật Bản
(Dân trí) - Một bí ẩn từng khiến các nhà khoa học Nhật Bản nhiều thế hệ chưa tìm được lời giải đáp mới đây đã được làm sáng tỏ.
Theo các ghi chép lịch sử, vào ngày 30 tháng 12 năm 620, một "dấu hiệu màu đỏ" có hình dạng như "đuôi chim trĩ" xuất hiện trên bầu trời của nước Nhật khiến người dân hốt hoảng. Vào thời điểm đó, khi nhận thức của con người còn chưa được phát triển như ngày nay, dấu hiệu này được coi là điềm xấu.
Trong khi đó, các nhà khoa học hiện đại đã nhìn lại báo cáo và đặt dấu hỏi liệu miêu tả này có thể là do cực quang hay sao chổi gây ra, nhưng cả hai lời giải thích đó đều không có căn cứ rõ ràng.
Ryuho Kataoka, một nhà nghiên cứu thời tiết tại Viện nghiên cứu Địa cực quốc gia Nhật Bản và các đồng nghiệp của ông đã quyết định thực hiện điều tra những gì có thể gây ra hiện tượng bầu trời đỏ tươi.
Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu bằng cách so sánh các mô tả lịch sử với một sự hiểu biết hiện đại về cực quang. Mặc dù những điệu nhảy ánh sáng này thường có màu xanh lá cây, nhưng thực tế chúng có thể xuất hiện trong các màu khác, bao gồm cả màu đỏ, tùy thuộc vào yếu tố nào trong bầu khí quyển của Trái đất đang được kích hoạt bởi các hạt tích điện phun ra từ Mặt trời.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi các quan sát gần đây hơn về cực quang có thể nhìn thấy trên bầu trời Nhật Bản trong hình dạng quạt có nền màu đỏ. Điều đó phù hợp với mô tả "đuôi chim trĩ" của sự kiện 620. Các nhà nghiên cứu cũng đã lập bản đồ từ trường thay đổi của Trái đất vào thời điểm đó.
Bên cạnh đó, họ cũng phân tích một giả thuyết khác về "dấu hiệu màu đỏ" kì lạ này đó là nó được gây ra bởi một sao chổi. Nhưng những cảnh tượng như vậy thường không có màu đỏ, và nhóm nghiên cứu xác định rằng có xác suất rất thấp về một sao chổi xuất hiện vào thời điểm đó.
"Đây là một ví dụ thú vị và thành công mà khoa học hiện đại có thể phát hiện từ những mô tả cổ xưa chưa có lời giải đáp mang tính chất huyền bí như vậy”, Kataoka nói.
Trang Phạm
Theo Live Science