Giác hơi: Bí quyết thành công của kình ngư Mỹ Michael Phelps?

(Dân trí) - Một số vận động viên Olympic, bao gồm cả kình ngư Micheal Phelps, đã xuất hiện ở Rio với những dấu vết hình tròn nằm rải rác trên cơ thể. Những dấu vết này là kết quả của “liệu pháp giác hơi”, một phương pháp y học cổ truyền của Trung Hoa để chữa đau cơ. Nhưng phương pháp này có thực sự hiệu quả?


Vận động viên bơi lội Michael Phelps với những vòng tròn màu tím trên lưng và vai khi anh giành Huy chương vàng vào tối Chủ Nhật (Ảnh: Doug Mills/The New York Times)

Vận động viên bơi lội Michael Phelps với những vòng tròn màu tím trên lưng và vai khi anh giành Huy chương vàng vào tối Chủ Nhật (Ảnh: Doug Mills/The New York Times)

Keenan Robinson, huấn luyện viên của Phelps cho biết: “Nó chỉ là một phương thức phục hồi. Không có gì thực sự đặc biệt về nó cả”

Phepls đã phát biểu vào hôm Thứ Hai: “Tôi thường thực hiện nó trước các cuộc thi, khá nhiều mỗi khi tôi thi đấu. Tôi đã đề nghị được giác hơi một chút vào hôm qua vì tôi bị đau, và huấn luyện viên đã làm những cái ly hút khá mạnh nên để lại một vài vết bầm tím”.

Mặc dù nhiều vận động viên nói rằng họ thấy phương pháp này rất có lợi, nhưng có rất ít các nghiên cứu khoa học chính xác về chủ đề này, và các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa rõ những lợi ích của phương pháp điều trị này liệu có phải do hiệu ứng giả dược hay không.

Tiến sĩ Brent Bauer, giám đốc Chương trình Complementary and Intergrative Program của tổ chức Mayo Clinic, Mỹ nói: “Cho dù nó thực sự hiệu quả, nhưng tôi không cho rằng liệu pháp này thực sự giải quyết được vấn đề về mặt khoa học. Ngoài ra, việc trị liệu này không nên được coi là một “cách chữa bệnh kỳ diệu” cho người dân. Nhưng bởi vì việc trị liệu này tương đối an toàn và có một số bằng chứng rằng nó có thể hữu ích với một số người, phương pháp này có thể được sử dụng như một phần của một chương trình điều trị toàn diện bao gồm các bài tập thể dục, lựa chọn dinh dưỡng và các can thiệp về lối sống khác”

Phương pháp giác hơi là gắn những chiếc ly tròn lên da bằng sức hút. Sức hút này được tạo ra bằng cách đốt nóng bên trong chiếc ly (tạo nên chân không) hoặc bằng cách dùng một chiếc bơm cầm tay. Sức hút này kéo phần da hướng về phía trong chiếc ly. Những người ủng hộ phương pháp này nói rằng việc hút như vậy sẽ làm tăng lượng máu dồn về khu vực đó, kết quả là sẽ làm giảm căng cơ và viêm, và thúc đẩy cho việc chữa bệnh.

Nhưng phương pháp này cũng có thể làm các mạch máu nhỏ bị vỡ, dẫn đến các vết bầm tím hình tròn đặc biệt. Marcus Williams - một nhà vật lý trị liệu tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học bang Ohio - người cũng sử dụng phương pháp điều trị bằng giác hơi cho biết: Những vết bầm này có thể kéo dài trong khoảng ba ngày đến vài tuần.

Giác hơi: Bí quyết thành công của kình ngư Mỹ Michael Phelps? - 2

Một số cuộc nghiên cứu nhỏ đã cho rằng phương pháp giác hơi này có thể làm giảm đau đầu gối và đau cổ. Ví dụ như, một nghiên cứu vào năm 2011 bao gồm 50 người tham gia bị bệnh đau cổ mãn tính đã nhận thấy rằng, những người được điều trị bằng liệu pháp này 5 lần trong hơn 2 tuần đã báo rằng họ giảm đau nhiều hơn so với những người không được điều trị. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này lại bao gồm một nhóm gọi là kiểm soát thụ động – một nhóm người không nhận được bất cứ điều trị nào. Điều đó làm cho sẽ khó khăn hơn để xác định liệu những hiệu quả nhận được từ phương pháp giác hơi này có phải là kết quả của hiệu ứng giả dược. (Hiệu ứng giả dược tức là hiệu quả của việc điều trị chỉ là do cảm giác của người bệnh, chứ không phải là việc điều trị đó mang lại tác dụng sinh lý thực sự-PV). Các nhà nghiên cứu đã kêu gọi nhiều nghiên cứu hơn nữa để so sánh hiệu quả của liệu pháp giác hơi với hiệu ứng giả dược.

Để tách biệt xem liệu kết quả điều trị có phải do hiệu ứng giả dược, đôi khi các nhà nghiên cứu cố gắng “làm mù” đối tượng nghiên cứu, tức là những người tham gia không biết họ đang được điều trị bằng cách nào. Nhưng theo một nghiên cứu năm 2011, điều này cũng rất khó thực hiện với liệu pháp giác hơi, vì nó có thể để lại những dấu vết trên cơ thể.

Một số nhà nghiên cứu cũng cố tránh khỏi vấn đề này bằng cách đưa ra những điều trị “giả bộ”, tương tự như điều trị thực sự nhưng tiến hành theo cách mà sẽ không mang lại lợi ích gì.

Trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà nghiên cứu ở Đức đã kiểm tra xem liệu giác hơi có hiệu quả hơn điều trị “giả bộ” đối với các bệnh nhân mắc hội chứng đau cơ xơ hóa, một tình trạng rối loạn mãn tính gây đau lan rộng, cứng khớp và mệt mỏi. Cả phương pháp điều trị thực sự và giả bộ đều dùng cùng một loại ly, nhưng với phương pháp điều trị giả bộ, chiếc ly này có một lỗ ở phía trên để chúng không tạo ra sức hút thích hợp. (Các bệnh nhân trong nghiên cứu này được cho biết họ sẽ được điều trị bằng cả giác hơi truyền thống và “giác hơi mềm mại”, nhưng họ không hề biết rằng cái gọi là “giác hơi mềm mại” chỉ là một điều trị giả bộ).

Hầu hết các bệnh nhân trong nghiên cứu này đã đoán chính xác là họ được điều trị bằng giác hơi truyền thống hay giác hơi mềm mại. Bệnh nhân ở cả hai nhóm này đều cảm thấy mức độ giảm đau giống nhau, có nghĩa là “những hiệu quả của phương pháp giác hơi mang lại có thể đã tiêu tan” vì những hiệu quả đó không phải do bản thân việc điều trị mang lại – các nhà nghiên cứu cho biết.

Bất kể là liệu pháp giác hơi mang lại hiệu quả sinh lý hay chỉ là một hiệu ứng giả dược, việc điều trị này vẫn sẽ có ích với một số người.

“Nếu liệu pháp đó mang lại lợi ích cho tôi… nếu lúc đó tôi có thể làm giảm bớt đau đớn [bằng liệu pháp này]… thì tôi nghĩ chúng ta có thể cởi mở hơn với việc cho phép bệnh nhân một số lựa chọn, miễn là phương pháp đó an toàn” - Bauer nói.

Bauer cho biết tác hại do giác hơi là rất hiếm. Trong một nghiên cứu về giác hơi, một số bệnh nhân đã báo rằng họ cảm thấy ngứa ran ở bàn tay và cánh tay, căng hoặc đau ở vùng điều trị, đau đầu nhẹ và hơi mệt mỏi, nhưng không có tác động nào kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Trong một số trường hợp, mọi người có thể bị phát triển nhiễm trùng ở vùng da bị bầm, nhưng nguy cơ này là rất nhỏ.

Anh Thư (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm