1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Ghi nhận hình thái mới của loài sóc đỏ đặc hữu ở đảo Hòn Lao

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Kết quả đã đưa ra những giả thuyết và quan điểm về vai trò của cách ly địa lý trong phát sinh ở loài sóc đỏ.

Ghi nhận hình thái mới của loài sóc đỏ đặc hữu ở đảo Hòn Lao - 1

Ảnh chụp cá thể Sóc đỏ với sự biến thiên về hình thái ghi nhận tại Đảo Hòn Lao - Đảo biệt lập ngoài khơi miền Trung Việt Nam (Ảnh: Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật).

Dựa trên nghiên cứu, so sánh đối chiếu các đặc điểm hình thái bộ lông và cấu trúc sọ, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mới đây đã phát hiện thấy những đặc điểm khác biệt về màu sắc bộ lông của sóc đỏ ở đảo Hòn Lao.

Sự khác biệt này được so với những phân loài khác của loài Sóc đỏ Callosciurus finlaysonii, đã từng được ghi nhận trước đây ở Việt Nam và tại nhiều khu vực trên thế giới.

Được biết, đây là đề tài nằm trong khuôn khổ Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (MS: KHCBSS.02/20-22), với mục tiêu thu thập và phát hiện đặc điểm về bộ lông thú vị của loài Sóc đỏ ở đảo Cù Lao Chàm, thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ghi nhận hình thái mới của loài sóc đỏ đặc hữu ở đảo Hòn Lao - 2

Hình thái ngoài mẫu chuẩn của C. finlaysonii ghi nhận tại đảo Hòn Lao.

Theo kết quả phân tích sinh học phân tử DNA, phân loài sóc ghi nhận ở đảo Hòn Lao thuộc nhóm loài "C. erythraeus - finlaysonii", gần gũi với loài C. finlaysonii, nhưng lại có những đặc điểm gần gũi với loài C.e.flavimanus

Nghiên cứu đã ghi nhận một hình thái mới của loài sóc đỏ đặc hữu ở đảo Hòn Lao. Kết quả cũng đưa ra những giả thuyết và quan điểm về vai trò của cách ly địa lý trong phát sinh loài.

Sóc đỏ Callosciurus finlaysonii là loài sóc phân bố phổ biến ở Thái Lan, Nam Lào, Tây Nam Việt Nam, Tây Nam Campuchia và Trung Nam Myanmar với khoảng 16 phân loài được ghi nhận với hình thái đa dạng, đặc biệt là màu sắc bộ lông. Ở Việt Nam, đã có 2 phân loài được ghi nhận.