Gene lặn của người Neanderthal khiến chúng ta nhạy cảm hơn với vết đau
(Dân trí) - Dấu vết của tổ tiên Neanderthal vẫn còn sót lại trong bộ gen người hiện đại trên khắp thế giới.
Nghiên cứu mới đây cho biết một gen hiếm và lặn của người Neanderthal có thể khiến cho một số người nhạy cảm hơn với cảm giác đau.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu kỹ hơn về DNA Neanderthal ảnh hưởng đến các xung thần kinh. Họ cho rằng đây là nguyên nhân khiến tổ tiên của chúng ta dễ cảm thấy đau hơn. Một cơ sở dữ liệu bao gồm nửa triệu bộ gene người Anh hiện đại cho thấy 0,4% dân số ngày nay vẫn mang gene lặn đó của người Neanderthal.
Nghiên cứu ở Anh cho thấy những người mang gene này có xu hướng có nhiều triệu chứng đau hơn so với những người khác. Nghiên cứu này dựa vào công nghệ giải trình tự gene và DNA của người Neanderthal.
Các nhà nghiên cứu chú ý đến gene tạo ra một protein xác định ở mức độ nào thì chúng ta có một xung thần kinh dưới dạng cảm giác đau. Nhà nghiên cứu Hugo Zeberg nói rằng mọi người mô tả trải nghiệm này giống như một nút vặn, mỗi nấc là một cấp độ đau mà các dây thần kinh cảm nhận được.
Ở một vài góc độ, cảm thấy đau là tốt vì cảm giác này có thể bảo vệ cơ thể khỏi bị tổn thương nhiều hơn, nhưng nếu quá nhạy cảm thì có thể dẫn đến đau kinh niên không cần thiết.
Tuy vậy, không phải vì người Neanderthal có DNA này mà chúng ta có thể chắc chắn cảm giác của họ ra sao. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cảm giác đau tăng mạnh có thể đã thúc đẩy người Neanderthal sớm ngừng hoạt động gây đau để cho vết thương được nghỉ ngơi, nhờ đó họ có cơ hội sống sót cao hơn trong môi trường sống khắc nghiệt.
Trong các tàn dư xác người Neanderthal mà chúng ta tìm thấy được ngày nay, có rất nhiều dấu vết của vết thương cũng như của các bằng chứng cho thấy họ đã biết chăm sóc vết thương để phục hồi sức khỏe.