Gấu trúc nâu "có một không hai" do sự kết hợp giữa 2 gen lặn

Minh Khôi

(Dân trí) - Một công viên khoa học ở Trung Quốc vừa ra mắt con gấu trúc nâu được nuôi nhốt duy nhất trên thế giới, gây tò mò cho du khách thăm quan.

Chú gấu trúc "có một không hai"

Gấu trúc nâu có một không hai do sự kết hợp giữa 2 gen lặn - 1

Chú gấu trúc nâu với biệt danh Qi Zai trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc với tư cách là cá thể duy nhất có các đặc điểm ngoại hình "không giống ai".

Cụ thể, nó có màu nâu sẫm và nâu nhạt thay vì màu đen - trắng giống như các phân loài gấu trúc quen thuộc được nuôi ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hay gấu trúc vùng Chu Chí.

Theo Xinhua, Qi Zai hiện được nuôi tại một công viên khoa học rộng 28 hecta, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở huyện Châu Chí, tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc.

Chú gấu 11 tuổi được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong rừng, phía dãy núi Tần Lĩnh, khi chỉ hơn 2 tháng tuổi với thể trạng yếu ớt và cô đơn vì bị bỏ rơi.

Gấu trúc nâu có một không hai do sự kết hợp giữa 2 gen lặn - 2

Gấu trúc nâu Qi Zai đang ăn một ngọn tre.

Sau khi được đưa về khu bảo tồn, nó được chăm sóc, nuôi dưỡng, và có thể trạng tốt. Trung bình mỗi ngày, Qi Zai ăn 50kg tre, tương đương một người ăn 25kg thịt gà để đảm bảo đủ năng lượng.

Gấu trúc nâu được phát hiện lần đầu trên dãy núi Tần Lĩnh năm 1985. Các nhà nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 10 con gấu trúc nâu, trong đó Qi Zai là cá thể cuối cùng còn sống sót.

So với các loài gấu trúc Tứ Xuyên quen thuộc, gấu trúc nâu khổng lồ có hộp sọ nhỏ hơn, tròn hơn, mõm ngắn hơn và ít lông hơn.

Lý giải cho màu nâu độc đáo

Gấu trúc nâu có một không hai do sự kết hợp giữa 2 gen lặn - 3

Các nhà khoa học cho biết, có thể nước và đất ở khu vực núi Tần Lĩnh góp phần tạo nên màu lông đặc biệt của gấu trúc nâu.

Tuy nhiên, Katherine Feng - một bác sĩ thú y giải thích màu nâu trắng của gấu trúc có thể do di truyền. Cụ thể, đây là "kết quả của hai gen lặn, sự kết hợp giữa các gen, hoặc một gen pha loãng".

Điều thú vị là mẹ của Qi Zai cũng chỉ là một con gấu trúc có bộ lông đen trắng. Sự pha trộn gien độc đáo này càng ủng hộ các nhà khoa học trong việc tìm hiểu thêm về sắc tố lông của nó. Được biết, khi Qi Zai đến tuổi trưởng thành, họ sẽ sớm cho nó giao phối với một cá thể gấu trúc cái màu đen trắng để có được câu trả lời.

Theo Xinhua, gấu trúc nâu là một trong bốn loài động vật quý hiếm tại Trung Quốc, cùng khỉ vàng, linh dương và cò quăm mào, được giới chức nước này bảo vệ và lên kế hoạch nhân giống nhằm phòng tránh khả năng tuyệt chủng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm