Gấu trúc khổng lồ có thể phân biệt nhau qua tiếng kêu

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã nghiên cứu tiếng kêu của gấu trúc khổng lồ - và đó không phải là tin tốt cho những con vật đang tìm kiếm bạn đời.

Theo nghiên cứu, gấu trúc có thể nhận diện nhau từ tiếng kêu be be như cừu của chúng từ khoảng cách lên đến 20m.

Gấu trúc khổng lồ có thể phân biệt nhau qua tiếng kêu - 1

Nhưng chúng chỉ có thể đoán được giới tính của một bạn đời tiềm năng nếu chúng cách nhau chưa đến 10m.

Ngược lại, những động vật sống ở các hoang mạc thoáng đãng, như voi châu Phi, có thể giao tiếp với nhau từ khoảng cách 1km.

Các nhà nghiên cứu đã ghi lại tiếng kêu của gấu trúc khổng lồ, sau đó nghiên cứu xem những âm thanh đó đi được bao xa trong các bụi tre dày đặc.

Họ thấy rằng trong môi trường rừng tre thông thường, loài động vật biểu tượng này có thể nhận ra giới tính và nét nhận diện của nhau, nhưng chỉ trong khoảng cách ngắn.

Benjamin Charlton thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn của Sở thú San Diego cho biết: “Các phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng hầu hết các giao tiếp về âm thanh thật sự diễn ra trong khoảng cách rất ngắn (10-20m) khi đã định vị được bạn đời”.


Gấu trúc sinh ba tại một sở thú ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Gấu trúc sinh ba tại một sở thú ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Các phát hiện, được đăng trên tạp chí Scientific Reports, có thể giúp làm sáng tỏ thói quen sinh sản của gấu trúc khổng lồ.

Nghiên cứu này cũng sẽ giúp các nhà bảo tồn ước tính mức độ quần thể bằng cách ghi lại các hoạt động âm thanh được tạo ra trong suốt mùa sinh sản.

Giao phối và sinh sản có thể là những việc phức tạp với gấu trúc khổng lồ. Loài động vật biểu tượng này sống một cuộc sống chủ yếu là cô độc, và các cuộc gặp gỡ là khá hiếm thấy ngoài mùa sinh sản ngắn ngủi.

Mùi hương có thể tiết lộ những thông tin như kích thước, giới tính, nhận dạng và tình trạng hormone. Nhưng gấu trúc cũng có một danh mục âm thanh đặc biệt quan trọng trong suốt mùa sinh sản.

Gấu trúc khổng lồ được liệt vào danh sách có thể bị đe dọa tuyệt chủng, với chưa đầy 2.000 cá thể được cho là còn tồn tại ngoài tự nhiên. Sự thụ tinh nhân tạo được sử dụng trong sở thú, nơi các con vật thường miễn cưỡng sinh sản.

Lộc Xuân (Theo BBC News)