Hà Tĩnh:
Gặp cậu học trò đoạt giải Nhất toàn quốc về sáng tạo khoa học kỹ thuật
(Dân trí) - Vượt qua hơn 243 sản phẩm dự thi của các thí sinh cùng trang lứa, em Cao Quang Hùng (SN 1999, học sinh lớp 11A8 trường THPT Nguyễn Huệ, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã đạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn miền Bắc được tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 5-8/3/2016.
Cao Quang Hùng chia sẻ, em đam mê khoa học từ nhỏ, năm lớp 6 em đã tự chạy thử được chiếc máy tạo mẫu công nghiệp (3D xBox). Đây cũng là mô hình giúp em đạt giải Nhất cuộc thi cấp quốc gia về sáng tạo KHKT học sinh THPT năm học 2015-2016, khu vực phía Bắc vừa được tổ chức tại TP Hải Phòng.
Nhìn vào nguyên lý hoạt động và công thức để lắp ráp ra được chiếc máy tạo mẫu này, nó giống như một chiếc máy chuyên nghiệp, được các chuyên gia hàng đầu sáng chế, phát minh. Chiếc máy có rất nhiều bộ phận được lắp ghép rất cầu kỳ nhưng hoạt động ổn định. Đặc biệt hơn công dụng chiếc máy tạo mẫu mà cậu học trò này vừa sáng chế có ứng dụng rất lớn trong đời sống.
“Khi vận hành, máy có 2 chế độ thu nhận thông tin mẫu vật. Sau khi có ý tưởng về các linh kiện, mẫu vật, người dùng sử dụng các phần mềm như soild work, 3Dmax Sketchup Auto Cad… để thiết kế mẫu vật nhằm điều chỉnh kích thước và các tính chất mong muốn. Sau đó, xuất file mẫu vật, linh kiện dưới dạng (.STL). Ưu điểm của các phần mềm đó là mô tả chính xác ý tưởng của người dùng, người dùng có thể tham khảo nguồn tài liệu phong phú trên mạng internet. Tiếp đó là nhân bản mẫu vật, xử lý sau khi có tập tin 3D” - Hùng say sưa giới thiệu với chúng tôi về hoạt động của máy với dày đặc những thuật ngữ chuyên môn, linh kiện điện tử.
Máy tạo mẫu có thể sản xuất ra các thiết bị mà trên thị trường không có, hoặc có sản xuất được nhưng sản xuất bằng thủ công mất rất nhiều thời gian. Còn với chiếc máy này thì có thể mất hơn 1h đồng hồ thì có thể cho ra sản phẩm theo ý muốn.
Nói về ý tưởng để tạo ra chiếc máy tạo mẫu (3D xBox) này, Hùng cho biết, thì lúc đầu em cũng chỉ làm chiếc máy phun mưa để chơi, sau đó được thầy giáo hỗ trợ làm cảm biến thăng bằng, đọng sương, buồng quét vật. Một lần em cùng ông ngoại vào bệnh viện tỉnh, em thấy rất nhiều người mất các tay, chân, họ phải đi đặt hàng làm chân giả. Thế nhưng mất rất nhiều thời gian, bởi phải đúc khuôn và chỉnh hình. Ngoài việc khó khăn tạo đúc chân tay giả, thì bản thân Hùng trong những lần sáng chế các rô bốt có thiếu các khung xương để lắp ráp, nhưng không biết mua ở đâu. Với lại trong công nghệ đúc thường xảy ra các hiện tượng rộ khí hay không đong đầy các lòng khuôn. Khi cho ra sản phẩm phải mà dũa cắt gọt. Chính vì hai điều trên mà Hùng phải nghĩ ra phải sáng chế được một chiếc máy tạo mẫu có thể đáp ứng các công việc trên trong một thời gian rất ngắn, mà mẫu mã lại có tính thẩm mỹ cao.
Cứ nghĩ là làm, đầu tháng 6/2015 Hùng bắt tay vào việc chế tạo chiếc máy “kỳ diệu” này. Thế nhưng khi lắp ráp chiếc máy Hùng gặp rất nhiều khó khăn, như chưa đồng bộ, lại phải lắp bằng tay, rất khó lắp đặt và có tính thẩm mỹ chưa cao.
Nói về phút giây cho ra sản phẩm đầu tiên, Hùng cho biết: “Trong quá trình thử nghiệm, em và thầy Trần Công Sang, giáo viên dạy vật lý hướng dẫn em làm mô hình máy tạo mẫu, nhưng đã bị cháy rất nhiều cuộn giấy, bo mạch, hoặc không cho ra sản phẩm, có những lúc em muốn bỏ cuộc.”
Thế nhưng bằng lòng say mê sáng tạo, và lòng quyết tâm rất lớn, Hùng đã đứng dậy tiếp tục hoàn thiện chiếc máy của mình.
Sau một thời gian ngắn, chiếc máy đã cho ra sản phẩm đầu tiên, Hùng rất vui sướng, mặc dù sản phẩm cho ra chưa được như ý. Nhưng đối với em đó là một thành công lớn. Có được thành công, Hùng tiếp tục hoàn thiện chiếc máy và đến nay chiếc máy có thể cho ra sản phẩm khó sản xuất, với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Bằng việc không ngừng sáng tạo, mô hình tạo mẫu của Hùng đã đạt giải Nhất quốc gia về sáng tạo KHKT dành cho học sinh THPT năm học 2015-2016 khu vực phía Bắc vừa được tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 5-8/3/2016 và giành giải Nhì toàn quốc, nằm trong các sản phẩm được chọn dự thi quốc tế trong thời gian tới.
Nói về cậu học trò cưng đạt giải Nhất tại cuộc thi sáng tạo KHKT toàn miền Bắc, thầy giáo Trần Công Sang cho biết, có thể trong thời gian tới Hùng sẽ hoàn thiện chiếc máy hơn nữa về mặt thẩm mỹ, và sẽ liên kết với một công ty nào đó để sản xuất chiếc máy này đồng loạt, để sự sáng tạo của mình được áp dụng rộng rãi hơn trong đời sống.
Thầy Nguyễn Thanh Huỳnh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Sau khi sản phẩm của em Hùng đạt giải, nhà trường cùng các em học sinh rất phấn khởi. Trong một tiết chào cờ tại trường, chúng tôi đã cho em Hùng thuyết trình về sản phẩm cho toàn trường chứng kiến để khích lệ việc học tập và sáng tạo của học sinh trong trường.”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Cao Quang Nhung, bố em Hùng xúc động cho biết: “Lúc đầu tôi thấy cháu mày mò làm, tôi có khuyên cháu nên tập trung vào việc học tập đi, nhưng đến khi thấy cháu sắp hoàn thiện sản phẩm của mình thì gia đình đã động viên, luôn theo sát và hỗ trợ. Đến khi đạt giải như thế này thì gia đình chúng tôi không có gì có thể vui hơn nữa!”.
Minh Đức - Văn Dũng