Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi

(Dân trí) - Hiện nay, ô nhiễm môi trường là vấn nạn lớn cho con người. Đặc biệt, ô nhiễm với rác thải nhựa, loại rác được dùng quá nhiều, thời gian phân hủy quá lâu, và một lượng lớn đổ ra biển làm ô nhiễm lan rộng, gây hại cho cả con người và sinh vật sống ở đây.

Đã có nhiều phương cách đưa ra nhằm hạn chế, xử lý rác thải nhựa. Trong đó, Ecobrick là phương cách khá đơn giản, khả thi, và có thể áp dụng rộng rãi cho cộng đồng.

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 1
Rác thải nhựa tràn ngập cả đất liền và đại dương

Mỗi năm, con người sản xuất ra hơn 300 triệu tấn nhựa, và một năm sau, một nửa số nhựa này trở thành rác thải. Các nhà môi trường học tính ra rằng, trong số các sản phẩm nhựa được sản xuất, chỉ có 9% được tái chế; 91% còn lại là chất thải vào không khí, đất và nước gây ô nhiễm môi trường.

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 2

Một phần rác thải nhựa sẽ phân mảnh thành các hạt vi nhựa (microplastic) gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt khi các vi nhựa ô nhiễm các đại dương, và gây nhiều tác hại lên sức khỏe con người và sinh vật tại đây.

Điều rất nguy hiểm là rác thải nhựa phân hủy rất chậm, từ thấp nhất là 50 năm cho đến lâu nhất là 600 năm. Do đó cho nên, nếu không được xử lý thích hợp, rác thải nhựa sẽ là chất gây ô nhiếm môi trường rất lâu dài qua nhiều thế hệ đời người chúng ta.

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 3

Những tác hại do rác thải nhựa

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (National Oceanic and Atmospheric Administration, NOAA), các hạt nhựa siêu nhỏ, gồm (1) Hạt nhựa nguyên phát, sẵn trong các sản phẩm tiêu dùng như kem đánh răng, sữa rửa mặt và mỹ phẩm, hoặc trong công nghệ phun khí để làm sạch rỉ rét, sơn keo ở máy móc, động cơ, vỏ thuyền….; (2) Hạt nhựa thứ phát, là những mảnh nhựa rất nhỏ sản sinh từ sự phân hủy của các mảnh vụn nhựa lớn hơn, do các tác nhân vật lý, sinh học và hóa học; và (3) Hạt nhựa vi mô từ các nguồn phát thải phụ phẩm, bụi trong quá trình hao mòn của hai loại vi hạt nhựa sơ và thứ cấp như sợi nhựa vi mô khi giặt quần áo, đồ chơi bằng nhựa, hạt nhựa cao su do lốp xe hao mòn…, vì có kích thước dưới 5 milimét dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người và gây nhiều tác hại:

* Trong không khí

Hạt nhựa vi mô cũng là loại bụi đường hô hấp khi con người hít thở. Vào trong nhu mô phổi hoặc đi vào dòng máu khi cơ thể và không thể thoát ra ngoài. Trẻ sơ sinh, nhũ nhi bò trên sàn là dễ bị tổn thương nhất.

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 4

Với hạt nhựa vi mô có đường kính trên 10 micromet thường được hệ thống chất nhầy, lông mao đường hô hấp trên bắt giữ và loại trừ ra qua hắt hơi, ho, xỉ mũi, khạc đàm nhầy…Nếu hạt nhựa vi mô nhỏ hơn, chúng tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang và đào thải ra khó, chậm, nên tích lũy lại gây các bệnh hô hấp gọi là bệnh bụi phổi (pneumoconiosis) như bụi sợi vải (byssinosis, brown lung disease)…

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 5

* Trong nước uống, thức ăn

Nhiều hạt nhựa vi mô cũng vào cơ thể con người khi uống nước đóng chai hoặc ăn cá từ các đại dương bị ô nhiễm các loại hạt nhựa vi mô từ trong môi trường sống của chúng trước đó.

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 6
Các nghiên cứu mới cho thấy, con muỗi có thể hấp thu hạt nhựa vi mô từ khi chúng còn giai đoạn cung quăng, các hạt này tồn tại trong cơ thể muỗi trưởng thành và lan truyền qua chim và các các sinh vật ăn côn trùng khác.

Tùy theo đường vào và kích thước hạt nhựa siêu nhỏ, con người khi bị ô nhiễm chúng cơ thể có thể mắc một số bệnh hô hấp, tim mạch, nội tiết chuyển hóa cũng như rối loạn nhiễm sắc thể gây nên các dạng ung thư….

Hai cách xử lý rác thải nhựa

Nhận biết sự tác hại của rác thải nhựa lên môi trường sống, các nhà quản lý, môi trường học, đưa ra nhiều phương cách xử lý trong hai nhóm:

* Hạn chế, không sử dụng đồ nhựa

Hiện nay, đã có nhiều phong trào “nói không” với đồ nhựa như: (1) xử dụng lá chuối, giấy tinh bột…để gói hàng; (2) dùng ly thủy tinh, ly kim loại…; (3) dùng ống hút cỏ bàng, tre nứa, thủy tinh…

* Tái sử dụng, biến đổi thành vật liệu mới

Nhiều hướng xử lý vĩ mô đang được nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng:

(1) Tái sử dụng rác thải nhựa;

(2) Biến rác thải nhựa thành năng lượng, nhờ quá trình nhiệt phân plasma lạnh (cold plasma pyrolysis), gia nhiệt từ 400-600oC trong môi trường oxy hạn chế sẽ chuyển đổi rác thải nhựa thành hydro, metan và ethylene. Hydro và metan được sử dụng làm nhiên liệu sạch, vì chúng chỉ tạo ra một lượng nhỏ các hợp chất có hại như bồ hóng, hydrocarbon không cháy và carbon dioxide.

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 7
(3) Dùng ethylene sinh ra trong nhiệt phân plasma làm vật liệu xây dựng, đây là cách xử lý được sử dụng rộng rãi trên thế giới hiện nay;

(4) Trộn rác nhựa polyetylen với với xi măng portland theo tỷ lệ 60/40 để tạo nên “xi măng nhựa” giúp giảm lượng cát xây dựng và đông kết nhanh;

(5) Sử dụng rác thải nhựa sản xuất vật liệu xây dựng như: Plasphalt được tạo thành từ các hạt nhựa được sản xuất từ chất thải nhựa chưa phân loại, thay thế cho cát và sỏi truyền thống được sử dụng trong sản xuất nhựa đường, và Ecobrick là các chai nhựa nhét đầy các bao, túi, giấy nylon để làm viên gạch sinh thái.

Ecobrick: đơn giản và khả thi

* Định danh

Eco-brick, eco (sinh thái) brick (viên gạch), gạch sinh thái, còn có tên gạch chai (bottle brick), ecoladrillo, là vật liệu xây dựng tạo nên từ các chất thải nhựa, cụ thể là các chai nhựa nhồi đầy các bao túi nilon phế thải. Những vỏ chai nhựa được nhồi rác thải này sẽ trở nên cứng chắc có khả năng thay thế cho gạch xây dựng trong các công trình ở đời sống thường ngày như nhà cửa, bàn ghế, bồn hoa…

Ecobrick: Cách xử lý rác nhựa khả thi - 8

* Quá trình phát triển

Năm 2003, Alvaro Molina lần đầu tiên nhét rác nhựa vào chai trên đảo Ometepe, theo kỹ thuật xây dựng chai (chai PET đổ đầy cát) của kiến ​​trúc sư người Đức Andreas Froese ở Nam Mỹ năm 2000.

Phải đến năm 2010, tại miền bắc Phillipines, Russell Maier và Irene Bakisan viết nên một bản hướng dẫn đơn giản về cách làm ecobrick cho người dân địa phương. Bộ Giáo dục nhận thấy tầm quan trọng tuyệt vời của ecobrick và đã đưa bản hướng dẫn này tới tổng cộng 1.700 trường học, tính tới năm 2014.

Việc phát triển ecobrick mạnh mẽ tại Phillipines đã biến nơi đây thành ngọn cờ đầu trong phong trào đáng tuyên dương này, và từ đó Liên minh Ecobrick toàn cầu hình thành và hiện tại, Liên minh đã có mặt thêm tại Nam Phi, Zambia, Mỹ, Indonesia….

* Lưu ý khi sản xuất

Khi làm các chai ecobrick cần lưu ý 3 điểm: (1) Chỉ cho rác thải nhựa mềm, túi nylon, giấy nhựa, vào trong chai; (2) Không cho thủy tinh, kim loại, giấy hay bất cứ vật liệu có thể phân hủy vào trong chai; và (3) Rác thải nhựa còn dính đồ ăn cần phải được làm sạch và phơi khô mới cho vào chai, tránh thực phẩm thừa phân hủy bên trong.

Đôi điều bàn luận

Trong cuộc sống hiện đại, đồ nhựa là nhu yếu phẩm của con người, là vật liệu đóng gói hàng hóa tiêu dùng được chuộng nhất. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều thì rác thải cũng tăng theo. Rác thải nhựa là vấn nạn môi trường cho cả thế giới. Đầu năm nay, trong cuộc họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA) tại Nairobi, Quỹ hoang dã thế giới WWF vừa phát hành báo cáo về rác thải nhựa trên thế giới. WWF cảnh báo, tới năm 2030 sẽ có thêm 104 triệu tấn nhựa gây ô nhiễm sinh thái, và đến năm 2050 rác nhựa ở các đại dương còn nhiều hơn số lượng cá. Do đó, giảm thải, tái chế và xử lý rác nhựa là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Trên lý thuyết, đốt rác nhựa để tạo năng lượng rất hợp lý. Nhưng công nghệ nhiệt phân plasma lạnh không dễ thực hiện đại trà, và việc đốt cháy rác nhựa nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể làm ô nhiễm không khí.

Xử lý rác nhựa thành vật liệu xây dựng như plasphalt, xi măng vừa tiết kiệm được cát sỏi vừa giảm ô nhiễm môi trường, nhưng cần nhà máy, công nghệ phức tạp khó áp dụng cho các nước đang phát triển.

Ecobrick là cách giải quyết đơn giản, không cần công nhân, máy móc chuyên nghiệp, có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi… Đây chính là giải pháp có tính khả thi cao nhất.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam