1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Dùng tim lợn để thay thế tim người?

(Dân trí) - Tim lợn có thể sớm được thử nghiệm để thay thế tim người, sau khi các nhà khoa học đã thành công trong việc cấy ghép nội tạng của lợn vào động vật linh trưởng.

Dùng tim lợn để thay thế tim người? - Ảnh 1.

Năm 2000, Hiệp hội cấy ghép tim và phổi quốc tế (ISHLT) cho rằng các thử nghiệm ở người sẽ sớm được tiến hành bởi vì 60% linh trưởng có thể sống trong ba tháng sau khi ghép tim lợn, và một số dấu hiệu cho thấy có thể sống sót lâu hơn.

Đối với các nghiên cứu trước đây, các động vật được ghép nội tạng chỉ đạt được sự sống tới 57 ngày, vì vậy đây là nghiên cứu đầu tiên đáp ứng các tiêu chí do ISHLT đưa ra, và thể hiện một bước tiến lớn trong việc cấy ghép lâm sàng tim lợn ở người.

Hiện giờ các bác sĩ phẫu thuật ở Đức, sử dụng tim từ những con lợn đã được biến đổi gen để loại bỏ vi rút đe dọa cơ thể vật chủ và ngăn cản cơ chế từ chối cơ quan ngoài từ cơ thể vật chủ. Họ đã ghép tim vào năm con khỉ đầu chó, bốn con vật trong số đó còn sống trong ít nhất 90 ngày, và một con vẫn còn có sức khỏe tốt trong hơn sáu tháng.

Viết trên tạp chí Nature, bác sĩ phẫu thuật tim Bruno Reichart, Đại học Ludwig Maximilian, Munich, cho biết họ đã chứng minh rằng việc ghép tim thực hiện trên một trong những cá thể thuộc loài lân cận của con người nhất, và sự sống sót lên đến 195 ngày là một "cột mốc" quan trọng trong quy trình cấy ghép nội tạng.

Các nhà khoa học Anh cho biết, chính phủ, NHS và Cơ quan quản lý mô người nên xem xét cách điều tiết và tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu như thế này.

Giáo sư Barry Fuller, Giáo sư Khoa học Phẫu thuật & Y học, cho biết: Đây là một nghiên cứu ấn tượng về cấy ghép nội tạng giữa các loài.

Khả năng sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép vào người để khắc phục tình trạng thiếu nội tạng đã được bàn luận trong nhiều thập kỷ, nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực bởi vì cơ thể con người từ chối cấy ghép nội tạng động vật do phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Các nhà khoa học đã biến đổi gen lợn, về lý thuyết, để có thể làm giảm phản ứng miễn dịch mạnh mẽ này, nhưng ngay cả sau đó, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

Do đó, nghiên cứu mới này có thể giúp đưa quá trình cấy ghép nội tạng gần hơn một bước với những ứng dụng trên cơ thể người và cải thiện các kỹ thuật bảo quản nội tạng để ghép tim người.

Một vài thủ thuật y khoa đã được sử dụng để tiệt trùng mô lợn, các bác sĩ tin rằng việc sử dụng các bộ phận trên cơ thể động vật có thể tiến tơi chấm dứt tình trạng thiếu cơ quan nội tạng trầm trọng như hiện nay.

Khoảng 6.000 người Anh hiện đang chờ cấy ghép nội tạng và hơn 1.000 người sẽ chết trong khi chờ được thay thế nội tạng mỗi năm.

Giáo sư Christopher McGregor, Giáo sư Phẫu thuật Tim, tại Viện Khoa học Tim mạch, UCL, cho biết nghiên cứu này là một "cột mốc quan trọng" đối với việc cấy ghép nội tạng ở người.

Tại châu Âu, nhu cầu về người hiến tim là rất lớn và nhu cầu ấy vượt quá nguồn cung ít nhất mười lần.

Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, dịch vụ y tế và các nhà xã hội học đang xem xét khả năng và đưa ra các hướng tài trợ phù hợp cho nghiên cứu mới này.

Thế nhưng việc cấy ghép có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ về đạo đức; mặt khác,Tổ chức Y tế Thế giới trước đó cũng đã cảnh báo về nguy cơ vô tình truyền các tác nhân truyền nhiễm không phát hiện ra từ động vật vào người, sau đó có thể lây nhiễm ra đông đảo dân số.

Các tổ chức từ thiện động vật cũng phản đối việc gây giống để lấy nội tạng động vật.

Giáo sư Jeremy Pearson, Phó Giám đốc Y khoa tại Quỹ Tim mạch Anh, nói thêm: "Tiềm năng giải quyết sự thiếu hụt tim người bằng cách ghép tim lợn là một khát vọng của các nhà khoa học trong hơn 40 năm qua, nhưng nó cũng là một hành trình đầy khó khăn".

Hoàng Hằng

Theo Telegraph