Dùng thuốc kháng sinh kéo dài có thể ảnh hưởng đến não

(Dân trí) - Theo một báo cáo mới được công bố trên tạp chí Cell, thuốc kháng sinh đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn đường ruột cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào não mới trong vùng đồi hải mã, phần não chịu trách nhiệm cho trí nhớ.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra manh mối của vấn đề này đó là một loại tế bào máu trắng dường như đóng vai trò truyền tin giữa não bộ, hệ thống miễn dịch và ruột.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng việc điều trị bằng thuốc kháng sinh kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của não”, tác giả Susanne Asu Wolf của Trung tâm Y học phân tử Max-Delbrueck tại Berlin, Đức cho biết. “Tuy nhiên, các lợi khuẩn (probiotics) và tập thể dục có thể cân bằng sự dẻo dai của não và cần được coi là một lựa chọn điều trị thực sự”.


Điều trị kháng sinh kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của não

Điều trị kháng sinh kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của não

Wolf đầu tiên tìm thấy manh mối cho thấy hệ miễn dịch có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của các tế bào não trong một nghiên cứu tế bào T gần 10 năm trước đây. Nhưng có rất ít nghiên cứu tìm thấy sự liên kết giữa não, hệ miễn dịch và ruột.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu cho một nhóm chuột dùng một lượng kháng sinh đủ để chúng gần như không còn các vi khuẩn đường ruột. So với những con chuột không được điều trị, những con chuột không còn vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ kém hơn và cho thấy sự suy giảm các tế bào thần kinh (tế bào não mới) trong một phần của vùng đồi hải mã, vùng não thường tạo ra các tế bào não mới trong suốt cuộc đời của một cá thể. Vào thời điểm những con chuột này bị suy giảm trí nhớ và tế bào thần kinh, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy các tế bào máu trắng (cụ thể là bạch cầu đơn nhân) được đánh dấu bằng Ly6Chi có mức độ thấp hơn trong não, máu và tủy xương. Vì vậy, các nhà nghiên cứu kiểm tra xem liệu có phải đích thực là bạch cầu đơn nhân Ly6Chi là nguyên nhân của những thay đổi về trí nhớ và sự suy giảm tế bào thần kinh hay không.

Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu so sánh những con chuột không được điều trị với những con chuột có nồng độ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh nhưng nồng độ Ly6Chi thấp hoặc do di truyền hoặc do điều trị bằng kháng thể ức chế tế bào Ly6Chi. Trong cả hai trường hợp, những con chuột có nồng độ Ly6Chi thấp cho thấy sự suy giảm trí nhớ và tế bào thần kinh giống hệt những con chuột trong thí nghiệm khác bị suy giảm vi khuẩn đường ruột. Hơn nữa, khi các nhà nghiên cứu thay đổi nồng độ Ly6Chi ở chuột được điều trị bằng kháng sinh, thì sau đó trí nhớ và sự phát triển của các tế bào thần kinh được cải thiện.

“Đối với chúng tôi, việc tìm ra những tế bào Ly6Chi di chuyển từ vùng ngoại biên đến não là khá ấn tượng và nếu có điều gì sai hỏng trong các vi sinh vật sống trong cơ thể người, Ly6Chi đóng vai trò như một tế bào liên lạc”, Wolf nói.

Một điều may mắn là các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh có thể bị đảo ngược. Những con chuột được nhận lợi khuẩn hoặc những con chuột chạy trên bánh xe sau khi nhận được kháng sinh đã khôi phục trí nhớ và các tế bào thần kinh. “Mức độ tác động của lợi khuẩn lên tế bào Ly6Chi, tế bào thần kinh và nhận thức là khá ấn tượng”, cô nói.

Nhưng một kết quả trong thí nghiệm này làm dấy lên nhiều câu hỏi về vi khuẩn đường ruột và mối liên quan giữa Ly6Chi và não. Trong khi các lợi khuẩn giúp những con chuột phục hồi lại trí nhớ, việc cấy phân để khôi phục lại một loại vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh lại không có tác dụng.

“Thật đáng ngạc nhiên khi việc cấy phân bình thường làm hồi phục sự phân bố rộng rãi của các vi khuẩn đường ruột nhưng không phục hồi tế bào thần kinh”, Wolf nói. “Đây có thể là một gợi ý về các tác động trực tiếp của thuốc kháng sinh đối với tế bào thần kinh mà không sử dụng thông qua đường ruột. Để giải mã điều này, chúng tôi có thể điều trị những con chuột không mang mầm bệnh và không có hệ vi sinh vật đường ruột bằng thuốc kháng sinh và so sánh sự khác nhau”.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cũng hy vọng sẽ có thêm các thử nghiệm lâm sàng để nghiên cứu xem các liệu pháp điều trị bằng lợi khuẩn có cải thiện được các triệu chứng ở bệnh nhân thoái hóa thần kinh và rối loạn tâm thần hay không. “Chúng tôi có thể theo dõi tâm trạng, các triệu chứng tâm thần, thành phần hệ vi sinh vật sống trong cơ thể và chức năng của tế bào miễn dịch trước và sau khi điều trị bằng lợi khuẩn”, Wolf nói.

N.L.H - NASATI (Theo Sciencedaily)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm