Dưa hấu có nguồn gốc từ đâu?
(Dân trí) - Thực tế là dưa hấu không phải lúc nào cũng ngọt và có màu sắc rực rỡ. Vậy ban đầu chúng có hương vị gì và trông như thế nào, chúng có nguồn gốc từ đâu?
Nghiên cứu cho thấy, loại trái cây giải khát không phải từ Lưỡi liềm màu mỡ của vùng Lưỡng Hà cổ đại, giống như nhiều loại cây trồng được thuần hóa khác.
Susanne Renner, một nhà thực vật học tại Đại học Ludwig Maximilian của Munich ở Đức, và các đồng nghiệp của mình đã tiến hành giải trình tự gene toàn diện của dưa hấu thuần hóa (Citrullus lanatus) - loại bạn có thể tìm thấy trên các kệ siêu thị cùng với sáu loài dưa hấu hoang dã.
"Chúng tôi nhận thấy bộ gene hiện đại của dưa hấu thuần hóa có liên quan mật thiết với loại hoang dã Sudan hơn bất kỳ loại nào khác mà chúng tôi đã phân tích. Dưa hấu hoang dã Sudan có một số khác biệt đáng chú ý so với phiên bản thuần hóa. Thịt dưa có màu trắng và không ngọt lắm, nó chủ yếu được dùng làm thức ăn gia súc", Susanne Renner cho biết.
Tuy nhiên, sự tương đồng về gene giữa hai loài đã khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng quả dưa ở Sudan có lẽ là tiền thân của dưa hấu đã được thuần hóa với màu đỏ và ngọt.
Có khả năng là những người nông dân cổ đại đã trồng các biến thể không đắng của dưa hấu dại và do đó tăng độ ngọt của nó qua nhiều thế hệ thông qua quá trình thuần hóa. Màu đỏ có lẽ cũng là nhờ chọn lọc nhân tạo, trong đó người nông dân có thể ưa chuộng và lai tạo chọn lọc trái đỏ.
Điều này xảy ra khi nào và nền văn minh nào chịu trách nhiệm cho nó thì ít rõ ràng, nhưng Renner đã cố gắng trả lời câu hỏi này. Cô cho rằng vị trí địa lý của loài dưa hấu hoang dã gần họ hàng ở Sudan có lẽ không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Chúng ta đã biết rằng vị vua Ai Cập cổ đại Tutankhamun đã được chôn cất cùng với hạt dưa hấu cách đây 3.300 năm, nhưng đó không phải là bằng chứng đầy đủ về một loại dưa hấu ngọt đã được thuần hóa.
Renner nói: "Những hạt này có thể được sử dụng như một món ăn nhẹ từ một quả dưa hấu dại".
Nhưng sau đó Susanne Renner tìm thấy hình ảnh một loại quả giống dưa hấu trên bức tranh lăng mộ Ai Cập cổ đại, được cho là hơn 4.300 năm tuổi. Hình ảnh ban đầu được xuất bản vào năm 1912, nhưng trước đó không ai hiểu nó là một quả dưa hấu.
Trong một ngôi mộ riêng biệt, một hình ảnh khác cho thấy dưa hấu được cắt trên khay cùng với các loại trái cây ngọt khác, giống như nho. Nhận thức này cùng với những phát hiện về gene của Renner, bắt đầu vẽ nên bức tranh về những người Ai Cập cổ đại đang thưởng thức những quả dưa hấu ngọt và đã được thuần hóa. Điều đó cho thấy rằng dưa hấu rất có thể đã được thuần hóa vào khoảng thời gian đó ở Ai Cập hoặc trong khoảng cách giao thương của đế chế cổ đại.
Renner cho biết: "Những người Nubia cổ đại sống ở Sudan ngày nay thường bị coi thường hơn so với người Ai Cập. Có thể là người Numbia cổ đại đã thuần hóa nó và buôn bán với người Ai Cập cổ đại hoặc cũng có thể là người Ai Cập, nhưng những gì nghiên cứu của tôi cho thấy rằng ở đâu đó trong vùng này, dưa hấu đã được thuần hóa đầu tiên và người Ai Cập cổ đại đã ăn chúng".
Hanno Schaefer, giáo sư về đa dạng sinh học thực vật tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), cho biết, về mặt lịch sử đó là một phát hiện rất quan trọng.
"Rõ ràng là chúng ta đã bỏ quên khu vực Bắc Phi. Chúng ta đã tập trung quá nhiều vào vùng Lưỡi liềm màu mỡ, nơi có nguồn gốc ngũ cốc và hạt (hạt họ đậu ăn được), nhưng chúng ta cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào nghiên cứu ngành nông nghiệp của Bắc Phi và thêm những phát hiện đó vào bằng chứng khảo cổ học", Schaefer nói.
Nghiên cứu các họ hàng hoang dã của cây trồng đã được thuần hóa có một ứng dụng ngoài sự tò mò về lịch sử. Nó có thể hữu ích cho các nhà chăn nuôi và nông dân thời hiện đại.
Renner nói: "Có nhiều đặc điểm của các quần thể hoang dã có thể hữu ích trong việc nhân giống dưa hấu. Chúng ít bị nấm mốc, virus và côn trùng hơn so với các loài đã được thuần hóa. Biết thêm về DNA của dưa hấu hoang dã có thể giúp các nhà lai tạo lấy các biến thể gene có lợi đó và cấy chúng vào cây trồng hiện đại mà không ảnh hưởng đến hương vị ngọt ngào và màu đỏ của dưa hấu, vốn đã mất rất nhiều thời gian để có được thông qua quá trình nhân giống chọn lọc.
Điều này có thể cho phép canh tác dưa hấu vượt qua những thách thức trong tương lai mà biến đổi khí hậu sẽ mang lại, chẳng hạn như hạn hán và nhiệt độ cao hơn".