Du khách chi hàng trăm nghìn USD để ngắm vũ trụ trong vài phút ngắn ngủi
(Dân trí) - Ba hành khách đã chia ra hàng trăm nghìn USD mỗi người để có vài phút trải nghiệm môi trường dưới quỹ đạo, chiêm ngưỡng độ cong của Trái Đất.
Ngày 10/8, công ty Virgin Galactic, trụ sở tại Mỹ đã đưa 3 hành khách đầu tiên của mình du lịch vũ trụ bao gồm Jon Goodwin, 80 tuổi; Keisha Schahaff, 46 tuổi và con gái Anastia Mayers, 18 tuổi. Họ đã cùng nhau có quãng thời gian vài phút lơ lửng trong không gian để chiêm ngưỡng độ cong của Trái Đất.
Sự kiện này đã phần nào chứng minh lời hứa của công ty đưa ra cách đây hai thập kỷ chính là thương mại ngành du lịch vũ trụ.
Để đưa hành khách vào không gian, công ty đã sử dụng một chiếc máy bay vận tải gắn theo tàu vũ trụ dưới bụng.
Khi đạt đến độ cao nhất định, tàu vũ trụ chở khách du lịch tách khỏi máy bay vận tải, đồng thời nó kích hoạt động cơ phản lực siêu mạnh và tăng tốc theo phương thẳng đứng.
Con tàu đã đạt độ cao cực đại 88km, dưới quỹ đạo, sau đó nó nhanh chóng hạ xuống và được phi công điều khiển trở lại mặt đất.
Tháng 7/2021 công ty này đã thực hiện một số chuyến bay thử nghiệm, trong đó có chuyến bay chở Richard Branson, người sáng lập Virgin Galactic.
Người phát ngôn của Virgin Galactic cho biết: "Cho đến nay có khoảng 700 người đã bay vào không gian và đây là chuyến bay thương mại đầu tiên của công ty. Đồng thời, chúng tôi đang đặt mục tiêu thực hiện một chuyến bay chở khách du lịch vũ trụ mỗi tháng".
Công ty ước tính, khoảng 800 khách hàng đã đăng ký mua vé với mức giá ban đầu 200.000-250.000 đô la cho mỗi người, sau đó giá vé sẽ tăng lên 450.000 đô la.
Chương trình không gian của Virgin Galactic đã bị chậm nhiều năm so với kế hoạch. Đáng chú ý vào năm 2014, một vụ tai nạn xảy ra trong quá trình thử nghiệm khiến một phi công thiệt mạng.
Virgin Galactic là công ty cạnh tranh trực tiếp với Blue Origin cung cấp các chuyến bay ngắn dưới quỹ đạo do tỷ phú Jeff Bezos điều hành.
Công ty này đã đưa thành công 31 hành khách du lịch vũ trụ. Kể từ khi vụ tai nạn trong một chuyến bay không người lái diễn ra vào tháng 9/2022, tàu vũ trụ của Blue Origin đã bị Chính phủ Mỹ đình chỉ hoạt động.
Ngành du lịch vũ trụ không còn quá xa vời đối với chúng ta.
Tháng 9/2018, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản phối hợp cùng nhóm nghiên cứu của Đại học Shizuoka, đã phóng một tên lửa thử nghiệm STARS-Me (Bao gồm Vệ tinh robot tự động kết nối không gian - thang máy mini) từ đảo Tanegashima, Nhật Bản vào không gian.
Dự án này là bài kiểm tra liên quan đến một chiếc thang máy thu nhỏ (một chiếc hộp chỉ dài 6cm, rộng 3cm và cao 3cm) xem chúng có thể di chuyển qua lại giữa hai vệ tinh trong không gian hay không?.
Nếu thành công, nó sẽ cung cấp bằng chứng về khái niệm cách di chuyển dọc theo một sợi cáp dài treo lơ lửng trong không gian nhờ hai vệ tinh nhỏ giữ cho sợi dây này được căng ra.
Công ty xây dựng Obayashi của Nhật Bản, hiện đang hợp tác với dự án của Đại học Shizuoka, nhằm khám phá những cách khác để xây dựng thang máy không gian của riêng mình, dự kiến có thể đưa khách du lịch lên vũ trụ vào năm 2050.
Công ty cho biết họ có thể sử dụng công nghệ ống nano carbon, cứng hơn gấp 20 lần thép, để xây dựng một trục thang máy cách Trái Đất 96km.