Du hành vũ trụ dài ngày có thể làm thay đổi gen

(Dân trí) - Trong một thông cáo hôm thứ Năm vừa qua của NASA, kết quả so sánh những thay đổi di truyền ở một phi hành gia dành gần một năm trong vũ trụ với người anh trai sinh đôi ở lại Trái đất đã chứng tỏ rằng các nhiễm sắc thể thay đổi trong vũ trụ trở lại bình thường trên Trái đất, với các thay đổi vĩnh viễn có hạn trong biểu hiện gen.

Du hành vũ trụ dài ngày có thể làm thay đổi gen - 1

Theo thông báo này, “Nghiên cứu sinh đôi đã đem tới cái nhìn phân tử sinh học tích hợp đầu tiên về cách cơ thể con người phản ứng với môi trường khi bay vào vũ trụ, và có vai trò như một bàn đạp hệ gen để hiểu rõ hơn cách duy trì sức khỏe phi hành đoàn trong các cuộc thám hiểm Mặt trăng và Sao Hỏa của con người”.

Vào năm 2014 và 2015, nhà phi hành gia của NASA, Scott Kelly đã bay vào vũ trụ 340 ngày trong khi anh trai sinh đôi của anh, Mark, ở lại Trái đất, nên các nhà khoa học có thể kiểm tra tác động của việc bay vào vũ trụ mở rộng ở mức độ tế bào và phân tử.

Thông báo cho hay: “Những đoạn trình tự lặp lại của ADN ở tế bào bạch huyết của Scott, chính là những dấu ấn sinh học của sự lão hóa ở cuối các nhiễm sắc thể, bất ngờ dài hơn trong vũ trụ rồi co ngắn lại sau khi anh trở về Trái đất. Chiều dài trung bình của các đoạn trình tự lặp lại của ADN trở lại bình thường sau sáu tháng”.

Ngược lại, các đoạn trình tự lặp lại của anh trai anh vẫn ổn định trong suốt thời gian đó. Trong khi trong vũ trụ, các nhà nghiên cứu cũng quan sát được những thay đổi trong biểu hiện gen của Scott, phần lớn trở lại bình thường sau khi quay lại Trái đất sáu tháng.

Tuy nhiên, một số ít gen liên quan đến hệ miễn dịch và sửa chữa ADN không trở lại bình thường sau khi anh quay về Trái đất, cho phép NASA xác định các gen mục tiêu khi theo dõi sức khỏe các phi hành gia tương lai trong các nhiệm vụ dài ngày. Theo NASA, phản ứng miễn dịch của Scott với một mũi tiêm cảm cúm trong vũ trụ giống hệt với anh trai, người được tiêm vắc-xin ở Trái đất.

Lộc Ninh (Theo Sputnik)