1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Dự báo dân số thế giới giảm gần 2 tỷ người sau giai đoạn bùng nổ

Minh Khôi

(Dân trí) - Một mô hình dự đoán dân số thế giới có thể giảm mạnh xuống còn 6 tỷ người vào năm 2100.

Dự báo dân số thế giới giảm gần 2 tỷ người sau giai đoạn bùng nổ - 1

Dân số thế giới sẽ giảm gần 2 tỷ người sau khi đạt đỉnh vào những năm giữa thế kỷ 21 (Ảnh minh họa: Getty).

Theo một nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận The Club of Rome công bố, dân số thế giới hiện là 7,96 tỷ người, sẽ đạt đỉnh 8,6 tỷ vào những năm giữa thế kỷ (khoảng năm 2050), trước khi giảm gần 2 tỷ người khi thế kỷ kết thúc.

Kết quả này được thực hiện dựa trên các mô hình dự báo tăng trưởng dân số, khi đa số quốc gia trên thế giới tiếp tục kêu gọi đầu tư vào giáo dục, cải thiện bình đẳng và chuyển đổi xanh.

Theo các nhà nghiên cứu, dự báo vừa là tin tốt, vừa là tin xấu cho sự phát triển của nhân loại.

Cụ thể, tin tốt là dân số loài người giảm mạnh sẽ góp phần giảm bớt các vấn đề về môi trường, khí hậu của Trái Đất. Những mối lo về phát thải, hiệu ứng nhà kính... sẽ được phần nào cải thiện.

Tuy nhiên, dân số giảm đồng nghĩa với độ tuổi trung bình cao hơn, sẽ khiến chúng ta gặp phải nhiều hệ lụy khôn lường. Điển hình trong đó là sự khan hiếm nhân lực đến từ những người ở trong độ tuổi lao động.

Gánh nặng này sẽ được chuyển xuống những người trẻ tuổi, khi họ không chỉ phải lao động vì bản thân, mà còn gánh thêm những khoản chi trả về chăm sóc sức khỏe và lương hưu cho thế hệ trước.

Một kịch bản khác cũng được dự đoán, xảy ra khi chính phủ các nước tiếp tục duy trì quỹ đạo và chính sách bảo thủ như hiện tại. Lúc này, chúng ta sẽ tạo ra các cộng đồng dễ bị tổn thương về mặt sinh thái, nhưng bù lại là sự bùng nổ về mặt dân số, khi số người có thể chạm ngưỡng 9 tỷ vào năm 2050.

Kịch bản này phù hợp hơn với những dự đoán trước đó của Liên hợp quốc, khi cho rằng dân số thế giới sẽ đạt 9,7 tỷ vào năm 2050 và tăng lên 10,4 tỷ vào năm 2100.

Dù là trong kịch bản nào, vấn đề chính của nhân loại dường như là lượng carbon xả thải và tiêu thụ sinh quyển, chứ không phải dân số.

Theo Jorgen Randers, một thành viên của tổ chức Earth4All, quy mô dân số không phải là yếu tố chính thúc đẩy biến đổi khí hậu. Thay vào đó, những nghiên cứu khoa học đổ lỗi cho sự xa xỉ của giới lắm tiền như là một phần nguyên nhân dẫn tới sự dư thừa năng lượng, bất bình đẳng... mà họ cho rằng cần phải được giảm bớt.