“Đơn đặt hàng” và sự quyết liệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

(Dân trí) - 7 ngày sau khi đưa ra “đơn đặt hàng”với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sáng 29/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quyết định quay trở lại làm việc với đơn vị này để cùng nhau bàn cách tháo gỡ những khó khăn nhằm hướng tới việc vươn lên vị trí thứ 2 ASEAN về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Lý do quay trở lại làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) sớm hơn dự định được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn chia sẻ: "Lần trước tôi làm việc, các đồng chí có đề cập đến việc phí và lệ phí trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn hạn chế nên dẫn đến thực hiện còn khó khăn. Tôi lại vừa được biết Bộ Tài chính sắp ban hành thông tư mới nên phải quay trở lại làm việc ngay với các đồng chí. Những bất cập liên quan đến phí và lệ phí cần phải được bàn bạc và làm rõ để từ đó có đề xuất ngay trước khi thông tư mới được ban hành".

Việc quay trở lại “thần tốc” cùng với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ,... cho thấy một sự quyết tâm rất lớn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong việc đốc thúc Cục SHTT sớm thực hiện “đơn đặt hàng".


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quyết liệt trong việc đốc thúc Cục SHTT sớm thực hiện đơn đặt hàng

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam quyết liệt trong việc đốc thúc Cục SHTT sớm thực hiện "đơn đặt hàng"

“Hôm nay tôi có mời các đồng chí ở các bộ/ngành khác, những người có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết những bất cập mà Cục Sở hữu trí tuệ đang vướng mắt cùng tham gia. Chúng ta sẽ trao đổi một cách thẳng thắn để cùng nhau tháo gỡ hướng tới việc làm sao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ phải quản lý một cách công khai, minh bạch và thông thoáng” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mở đầu buổi làm việc bằng một sự gợi mở nhằm hiện thực hóa việc “chỉ được phép” thua Singapore về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Nguyên nhân tồn đọng đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Cục trưởng Cục SHTT cho biết hệ thống pháp luật về SHTT đã tương đối đầy đủ và đồng bộ làm nền tảng cho các hoạt động SHTT của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tạo nên sự chuyển biến về chất trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ, giúp cho tài sản trí tuệ trở thành một loại tài sản vô hình có giá trị lớn của doanh nghiệp để thương mại hóa và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong kinh doanh; Đảm bảo sự thành công của quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó các cam kết về SHTT là yếu tố quan trọng đối với thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ của mình thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh (bên phải), Cục trưởng Cục SHTT trao đổi những mặt thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh (bên phải), Cục trưởng Cục SHTT trao đổi những mặt thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục và ngày càng nặng nề bởi số lượng đơn đăng ký SHCN tăng nhanh (bình quân khoảng 10% mỗi năm). Chỉ tính riêng trong 05 năm gần đây (từ 2011 đến 2015), Cục SHTT đã nhận được 390.876 đơn hoặc yêu cầu các loại, đã xử lý được 338.387 đơn bằng 86,7% tổng số đơn nhận được, cấp 132.107 văn bằng bảo hộ SHCN, trong đó có 6.028 Bằng độc quyền sáng chế, 466 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 6.648 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 118.922 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 23 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý…

Lượng đơn nộp vào Cục SHTT liên tục gia tăng, bản chất đơn ngày càng phức tạp, thời gian tra cứu để thẩm định đơn ngày càng lâu, trong khi đó các điều kiện để phục vụ công tác thẩm định đơn (quy trình, thủ tục, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu,...) chưa được cải thiện trong một thời gian dài đã dẫn đến việc tồn đọng một lượng đơn không nhỏ.

Nguyên nhân của tình trạng này được Cục trưởng Cục SHTT chỉ rõ, là do thiếu nhân lực để xử lý đơn; cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu và đã lạc hậu; nguồn lực tài chính hạn chế do chỉ dựa trên một phần phí, lệ phí được để lại (70%) trong khi mức phí và lệ phí của Việt Nam lại quá thấp so với các nước khác, không đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động thẩm định đơn đăng ký SHCN do vẫn giữ nguyên biểu phí với mức giá của nhiều năm trước. Ví dụ, đối với phí thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế, mức phí trung bình của Việt Nam là 1.260.000 đồng, trong khi đó mức phí của Malaysia là 5.862.000 đồng (cao hơn 4,7 lần so với mức thu của Việt Nam), của Philippines là 1.642.000 đồng (cao hơn 1,3 lần), và của Singapore là 41.288.000 đồng (cao hơn 32,8 lần); Chất lượng của các hệ thống bổ trợ như hệ thống đại diện sở hữu công nghiệp không cao, chất lượng đơn do các đại diện sở hữu công nghiệp chuẩn bị chưa thật sự đạt chuẩn…

Giải quyết vấn đề về phí và lệ phí, đổi mới cách làm

Trong quá trình nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu lãnh đạo Cục SHTT làm rõ nội dung so với thế giới và các nước trong khu vực thì hoạt động SHTT của Việt Nam đang đứng ở đâu về thời gian giải quyết, chi phí thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ.

“Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm nhất là thủ tục và chi phí. Liệu chúng ta có thể bảo đảm không còn đơn quá hạn, từ đó tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết so với hiện nay hay không? Mục đích cuối cùng là thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT thông thoáng, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhiều hơn, cùng với các hoạt động khác của Bộ KH&CN để thúc đẩy khoa học, sáng tạo” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề.

Về vấn đề mức phí và lệ phí đang còn thấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở: Chúng ta có thể nâng được mức phí lên hay không, đang vướng mắc ở chỗ nào? Tôi tin chắc nếu chúng ta đưa ra đề xuất tăng thì Bộ Tài chính sẽ không từ chối.

Giải đáp câu hỏi này, một lãnh đạo của Bộ KH&CN cho biết: Trước đây mức phí được thực hiện theo các mức khác nhau đối với từng đối tượng. Tuy nhiên khi Việt Nam tham gia WTO thì trong đó có yêu cầu chỉ sử dụng chung một mức phí. Vì có các đối tượng khác nhau nên Bộ Tài chính không đồng ý với Bộ KH&CN trong việc đưa ra mức phí quá cao.

Giải quyết ngay khó khăn này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: Hiện nay số lượng đơn xin bảo hộ SHTT có đến 90% là doanh nghiệp, như vậy chỉ có 10% là các đối tượng khác. Chúng ta nên nghĩ đến việc có thể thực hiện miễn phí hoặc hỗ trợ cho 10% đối tượng, còn đối với các doanh nghiệp thì có thể đưa ra mức phí cao hơn. Cách làm như vậy thì chúng ta vẫn đảm bảo tuân thủ theo cam kết WTO nhưng vẫn có thể tăng mức phí cao lên. Vấn đề ở đây là mức phí cao hơn rồi thì liệu việc cấp văn bằng chứng nhận, sáng chế có nhanh lên được hay không?

Phân tích của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được sự tán thành của lãnh đạo các bộ/ngành liên quan, thậm chí doanh nghiệp cũng hào hứng hưởng ứng.

“Doanh nghiệp thì không lo ngại về mức phí tăng mà chỉ mong sao việc công nhận được thông thoáng, tất nhiên là đúng theo quy định của pháp luật. Hiện nay ngay khâu thủ tục nộp đơn cũng đã mất 3 tháng, thời gian thẩm định giải quyết kéo dài đến 18 tháng. Việc công nhận quá chậm như vậy ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp khoa học công nghệ” - Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Busadco, người từng đoạt Giải thưởng Nhân Tài Đất Việt ở lĩnh vực khoa học công nghệ bày tỏ.

Từ những gợi mở một cách cụ thể để tạo tiền đề cho Cục SHTT có thể thực hiện thành công “đơn đặt hàng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Chưa cần phải sửa đổi, bổ sung các Luật nhưng nếu chúng ta có cách làm sáng tạo, đổi mới thì cơ bản những vướng mắc về phí và lệ phí đã được giải quyết. Bộ KH&CN cần chủ động đề xuất với Bộ Tài chính để làm sớm việc này".

Ưu tiên hàng đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không ngần ngại đặt ra vấn đề: Liệu Việt Nam có bằng và vượt qua Singapore về lĩnh vực SHTT được hay không?

Thẳng thắn trả lời với Phó Thủ tướng, ông Lê Huy Anh – Trưởng phòng Sáng chế số 2 bày tỏ: Trong khi các cơ quan SHTT của các nước đã áp dụng hình thức nộp đơn trực tuyến từ nhiều năm nay thì tại Cục SHTT vẫn đang áp dụng tiếp nhận văn bản giấy và dự kiến phải đến cuối năm mới tiếp nhận đơn đăng ký điện tử.

Việc Singapore đang đứng đầu ASEAN về lĩnh vực này là do họ có hạ tầng CNTT rất tốt kết hợp với nền giáo dục tiên tiến. Còn hiện nay vấn đề CNTT ở Cục SHTT là khá yếu kém nên quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong nước chưa có trường nào đào tạo một cách bài bản và có chất lượng nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực SHTT.


Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu đổi mới cách làm đã giải quyết được phần lớn vướng mắc.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu đổi mới cách làm đã giải quyết được phần lớn vướng mắc.

“Việc tra cứu để thẩm định, đánh giá thông qua các hệ thống dữ liệu quốc tế sẽ rút ngắn được thời gian nhưng hiện nay thú thực là trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực về lĩnh vực SHTT của chúng ta còn hạn chế nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký SHTT ở nhiều quốc gia khác nhau (có thể nộp hồ sơ vào Việt Nam nhưng đồng thời nộp hồ sơ vào các quốc gia khác). Chính vì thế, nếu biết ngoại ngữ thì chúng ta có thể đọc tham khảo những kết quả đánh giá này để đẩy nhanh quá trình công nhận và cấp bằng.” – ông Lê Huy Anh nói.

Cũng theo ông Huy Anh, nếu chúng ta đầu tư hệ thống CNTT tốt, nguồn nhân lực chất lượng thì sẽ sớm tiệm cận được với Malaysia, tuy nhiên để đạt được tới Singapore là điều vô cùng khó khăn.

Trao đổi thêm, trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại Nguyễn Thanh Hồng cho biết, do quy định của Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn nên thẩm định viên không thể tiếp xúc trực tiếp với người nộp đơn, do đó để chỉnh sửa một vài sai sót qua đường công văn có thể mất tới vài tuần trong khi nếu trao đổi trực tiếp qua thư điện tử thì thời gian chỉ mất 1 ngày.

“Nếu để thẩm định viên phát huy khả năng bản thân trong việc xử lý đơn thì có thể thu được kết quả khiến chính chúng ta cũng ngạc nhiên” - ông Hồng bày tỏ.

Giải quyết bài toán này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục gợi ý: Hiện nay có tới 170 công ty, tổ chức đại diện thực hiện nộp đơn xin bảo hộ SHTT, tại sao Cục không phối hợp với những đơn vị này để hoàn thiện hồ sơ đến một mức nào đó trước khi thẩm định viên kiểm tra, thẩm định, như vậy có thể rút ngắn thời gian làm thủ tục.

“Cách làm không thay đổi thì đương nhiên sẽ tồn đọng. Chúng ta phải đổi mới nhanh hơn, bớt rườm rà đi, đừng để tình trạng đơn xin cấp quyền bảo hộ mà đến mấy năm mới được xử lý” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý SHTT nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai minh bạch, “ai nộp trước, xử lý trước, ai nộp sau xử lý sau và biết hồ sơ mình nằm ở đâu”.

“Cách làm theo dự án đầu tư không còn phù hợp mà Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường thuê dịch vụ của doanh nghiệp CNTT. Các đồng chí có thể đặt yêu cầu cụ thể, dài hơi. Có thể lúc đầu chưa cần giải pháp toàn diện mà từ những việc nhỏ như chương trình cho đăng ký trực tuyến, gửi hồ sơ văn bản qua mạng, mức cao hơn là so sánh, kết nối, đối chiếu, tự động lọc các nội dung về SHTT” - Phó Thủ tướng gợi ý hướng đi cho Cục SHTT.

Nguyễn Hùng