Đón chờ mưa sao băng kép hiếm có vào tuần tới

Phạm Hường

(Dân trí) - Vài ngày tới đây, khi quỹ đạo Trái Đất giao nhau với quỹ đạo của hai sao chổi, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng trận mưa sao băng kép ngoạn mục.

Đón chờ mưa sao băng kép hiếm có vào tuần tới - 1
Ảnh chụp một vệt sao băng Perseid năm 2016 lướt qua bầu trời ở Tây Virginia, Mỹ (Ảnh: NASA).

Những người thích ngắm sao sắp sửa được chứng kiến một cơn mưa sao băng kép khi cả sao băng Alpha Capricornid và sao băng Southern Delta Aquariid cùng đạt đến cực đại trong tuần tới.

Sự kiện này là một thời điểm trùng lặp kỳ diệu hiếm có. Mưa sao băng xuất hiện khi quỹ đạo Trái Đất giao với đường đi của một sao chổi. Những vụn đá rớt lại của sao chổi cháy sáng khi chúng va vào khí quyển Trái Đất.

Trong thời gian mưa sao băng kép tới đây, Trái Đất sẽ cắt ngang đường đi của 96P/Machholz, là ngôi sao chổi gây ra mưa sao băng Southern Delta Aquariid, và 169P/NEAT, là sao chổi sinh ra mưa sao băng Alpha Capricornid. Thời điểm cực đại của hiện tượng này là vào ngày 30 và 31/7.

Theo các chuyên gia, nhiều cơn mưa sao băng xảy ra trong cùng một đêm là điều không lạ, nhưng việc hai trận mưa sao băng cùng đạt cực đại trong vòng 24 giờ là "khá bất thường", chính vì thế cơ hội để những người thích ngắm sao lần này là rất hiếm có.

Năm nay có hơn 900 cơn mưa sao băng trên bầu trời, tính ra trung bình mỗi đêm có 2 hoặc 3 cơn mưa sao băng, nhưng không phải tất cả đều là những cơn mưa lớn như Perseid hay Geminid.

Khi có mưa sao băng Perseid hoặc Geminid, mỗi giờ có hơn 100 ngôi sao băng vụt qua trên bầu trời. Hầu hết các cơn mưa sao băng khác đều nhỏ và các nhà thiên văn học mới chỉ bắt đầu nghiên cứu và đo lường những cơn mưa này một cách có hệ thống.

Mưa sao băng xảy ra theo chu kỳ nhờ quỹ đạo có thể dự đoán trước của chúng quanh Mặt Trời. Cường độ của chúng dao động chút ít và cũng có thể xác định được bằng thời điểm chúng giải phóng các mảnh vỡ và thời gian các mảnh vỡ này trôi trong không gian. Việc dự đoán mưa sao băng có ý nghĩa quan trọng đối với sự an toàn của các chuyến bay vũ trụ.

Vào thời điểm cực đại, mưa sao băng Southern Delta Aquariid sẽ "trình diễn" khoảng 20 đến 25 sao băng mỗi giờ so với các mưa sao băng nhỏ khác thường chỉ có khoảng 5 sao băng mỗi giờ.

Mưa sao băng Alpha Capricornid ít xảy ra hơn, nhưng một khi xảy ra, nó thường có những quả cầu lửa sáng với những khối thiên thạch lớn bay qua và cháy sáng, sáng hơn và đẹp mắt hơn rất nhiều.

Mưa sao băng kép lần này quan sát từ Nam bán cầu sẽ sáng rõ hơn từ Bắc bán cầu vì điểm biểu kiến nơi xuất phát của chúng là từ phía nam. Cả hai cơn mưa sao băng sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 8.

Hầu hết tất cả các trận mưa sao băng đều đạt đỉnh vào sáng sớm từ khoảng 2 đến 4 giờ, vì thế nếu bạn muốn xem mưa sao băng lần này, tốt nhất là hãy tìm một địa điểm thật tối, tránh xa ánh sáng nhân tạo như đèn, điện thoại di động và nhìn lên bầu trời đêm một lúc cho mắt thích nghi với bóng tối và hãy chọn thời điểm sau lúc nửa đêm.

Cả hai trận mưa sao băng đều có thể quan sát tốt bằng mắt thường, nhưng để tận dụng tối đa cơ hội ngắm sao thì một cặp ống nhòm hoặc kính thiên văn sẽ hỗ trợ bạn tốt hơn.

Theo www.livescience.com