"Đoàn quân" ve sầu sắp tấn công nước Mỹ được hình thành như thế nào?
(Dân trí) - Hàng nghìn tỷ con ve sầu sẽ cùng chui lên mặt đất ở miền Đông nước Mỹ trong những ngày sắp tới đây sau 17 năm "chôn vùi" dưới lòng đất.
Cuộc "tổng tấn công" của ve sầu
Chỉ ít ngày tới đây, sau 17 năm dành thời gian sống lâu dài dưới lòng đất, hàng nghìn tỷ con ve sầu sẽ đồng thời xuất hiện ở 15 bang của Mỹ để tham gia lễ hội giao phối kéo dài 4-6 tuần.
"Đây là một trong những chu kỳ sống kỳ dị nhất của sinh vật trên Trái đất", giáo sư Michael Raupp - một nhà côn trùng học nhận xét. "Loài sinh vật này trải qua 17 năm tồn tại cô lập dưới lòng đất, hút nhựa rễ cây. Ở năm thứ 17 chúng sẽ ra khỏi lòng đất với số lượng hàng tỷ nếu không muốn nói là hàng nghìn tỷ. Chúng chỉ đang cố gắng trưởng thành, lột xác, có đôi cánh, lên các cành cây, thoát khỏi những kẻ săn mồi".
Theo Mike Raupp hiện tượng này chỉ xảy ra ở miền Đông nước Mỹ, và mật độ của ve sầu có thể đạt tới 1,5 triệu con/4.000 mét vuông. Chính vì sự xuất hiện dày đặc mà sự kiện này được ví như "Lễ tạ ơn" đối với động vật hoang dã.
Khi ve sầu xuất hiện, các loài chim, sóc, chuột, chồn hôi, kiến, gấu trúc, rắn, ếch và thú có túi sẽ có nguồn thức ăn dư dả trong khoảng một tuần đầu tiên. Thậm chí ngay cả chó cũng sẽ coi ve sầu như một bữa ăn nếu có cơ hội.
Nguồn gốc của ve sầu
Ve sầu, hay còn gọi là kim thiền là một loài thuộc họ côn trùng có đầu to, hai cánh có nhiều vân. Chúng có khoảng 2.500 loài ve sầu trên khắp thế giới.
Ve sầu có thể coi là loài sâu bọ được biết đến nhiều nhất vì hình dáng và kích thước khá to của chúng. Vòng đời của ve sầu khá đặc biệt, hầu hết chúng có vòng đời từ 2-5 năm.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại của chúng chỉ dưới dạng ấu trùng và chôn vùi dưới lòng đất.
Hình dạng của ve sầu trưởng thành mà chúng ta hay nhìn thấy vào những ngày hè chỉ duy trì vài tuần khi chúng thực hiện nhiệm vụ giao phối và đẻ trứng, mỗi con cái có thể đẻ vài trăm trứng.
Tuy nhiên để thích ứng với môi trường và các loài ăn thịt ve (như ong bắp cày ăn ve, bọ ngựa..) một số loài có vòng đời dài hơn nhiều, như loài ve sầu ở Mỹ có vòng đời đến 17 năm đôi khi là 13 năm.
Loài ve sầu sắp xuất hiện ở Mỹ mà chúng ta nói bên trên thuộc giống ve Brood X. Các đàn ve sầu sẽ trồi lên theo các năm khác nhau, nhưng đây sẽ là một trong những đàn lớn nhất.
"Đó là một sự kiện khá lớn. Chúng ta sẽ thấy và nghe hàng nghìn tỷ con ve sầu nổi lên, hát, gọi, tìm bạn tình ở sân sau của bạn", Tiến sĩ Jessica Ware, một nhà côn trùng học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ cho biết.
Khác các loại côn trùng khác, như dế, tạo âm thanh bằng cách cọ xát hai cánh vào nhau, ve sầu tạo ra âm thành bằng cách rung hai cái "loa" làm bằng màng mỏng, phát triển từ lồng ngực, có sườn bên trong.
Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng ve kêu rất to. Ve sẽ lắc mình và dùng cánh để tạo nhịp và sự khác biệt cho ''bài hát" của riêng mình.
Ve cái không tạo được âm thanh nhưng cũng có hai màng bên mình dùng để "nghe" ve đực hát và bị dụ dỗ. Ve đực khi không hát, cũng dùng hai cái loa ấy để nghe ngóng xung quanh. Một số loài ve có khả năng tạo âm thanh đến 120 dB, tiếng kêu to nhất nhì trong loài côn trùng.
Ve sầu có phải loài côn trùng gây hại?
Theo giáo sư côn trùng học May Berenbaum từ Đại học Illinois, Mỹ, con người có xu hướng sợ nhầm loài côn trùng. Muỗi là loài động vật giết nhiều người nhất do chúng gây ra bệnh sốt rét và nhiều dịch bệnh khác. Tuy vậy, nhiều người vẫn hoảng sợ trước sự trỗi dậy của ve sầu.
"Bài hát" nhức óc của chúng vang lên khắp nơi, trên cây, hiên nhà, sân nhà, mái nhà, cả trong xe hơi của bạn. Âm thanh mà chúng tạo ra thực sự là nỗi ám ảnh đối với những cư dân xung quanh.
Nhưng thực tế thì ngoài tiếng ồn, ve sầu gần như không gây hại gì. "Chúng thực sự không gây hại cho con người. Chúng thậm chí không thực sự gây hại nhiều đến khu vườn của bạn. Mục tiêu của chúng thực sự là tìm thấy nhau, giao phối và sau đó là tạo ra các thế hệ ve sầu tiếp theo.", Tiến sĩ Jessica Ware, cho biết thêm.
Ve đực trưởng thành chết sau khi giao phối. Những con cái dính trứng của chúng vào cành cây, và sau đó rơi xuống đất. Những quả trứng treo lơ lửng một thời gian rồi nở ra, nhộng rơi xuống đất, đào gốc cây, nơi chúng sẽ trú ngụ suốt 17 năm tiếp theo.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm loài ve sầu xuất hiện trên Trái Đất khoảng 3,9 triệu năm trước. Chúng tách ra thành các đàn bố mẹ khác nhau cách đây khoảng 500.000 năm, và được phân loại theo số La Mã. Loại Brood X có chu kỳ xuất hiện khoảng 17 năm, những loại khác khoảng 13 năm.
Biến đổi khí hậu cũng tác động đến chu kỳ trồi lên mặt đất của chúng. Riêng giống Brood X đã trồi lên mặt đất ở bang Virginia năm 2017, sớm hơn 4 năm so với trước đó.
Các hoạt động khai thác thiên nhiên của con người cũng góp phần khiến số lượng của chúng giảm mạnh. Bên cạnh đó, những con đực còn bị nấm tấn công, khiến chúng không thể giao phối.