Đỉnh Everest thực sự cao bao nhiêu?
(Dân trí) - Điểm cao nhất trên Trái đất đã chính thức được xác nhận "cao hơn" khi Trung Quốc và Nepal cuối cùng đã đồng ý về độ cao chính xác cho đỉnh Everest sau nhiều năm tranh luận.
Chiều cao thỏa thuận là 8.848,86 mét được công bố tại một cuộc họp báo ở Kathmandu - cao hơn 86 cm so với phép đo được Nepal công nhận trước đây và hơn 4 mét so với con số chính thức của Trung Quốc.
Sự khác biệt này là do Trung Quốc đo nền đá trên đỉnh núi chứ không phải sự bao phủ của băng tuyết trên đỉnh núi.
Các nhà địa lý của Anh đầu tiên xác định chiều cao Everest của năm 1856 là 8.840 mét trên mực nước biển. Sau đó, khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay Sherpa lần đầu tiên lên đỉnh Everest vào ngày 29 tháng 5 năm 1953, một cuộc khảo sát của Ấn Độ đã điều chỉnh độ cao lên 8.848 mét. Phép đo đó đã được chấp nhận rộng rãi.
Năm 1999, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ kết luận điểm cao nhất thế giới này có độ cao là 8.850 mét nhưng Nepal chưa bao giờ chính thức công nhận điều này.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc khảo sát của riêng mình. Vào năm 2005 đã đưa ra một phép đo là Everest cao 8.844,43 mét.
Vụ việc đã gây ra một cuộc tranh cãi với Nepal. Sự việc chỉ được giải quyết vào năm 2010 khi Kathmandu và Bắc Kinh đồng ý rằng các phép đo của họ đề cập đến những thứ khác nhau.
Nepal quyết định tiến hành một cuộc khảo sát, ban đầu là độc lập và sau đó có sự tham gia của Trung Quốc sau khi có ý kiến cho rằng các chuyển động của mảng kiến tạo bao gồm một trận động đất lớn vào năm 2015 có thể đã ảnh hưởng đến độ cao.
Khoảng 300 chuyên gia và nhà khảo sát của Nepal đã tham gia vào cuộc nghiên cứu, một số đi bộ và những người khác đi trực thăng để đến các trạm thu thập dữ liệu.
Mùa xuân năm 2019, các nhà khảo sát người Nepal đã lên tới đỉnh Everest với hơn 40 kg thiết bị, bao gồm cả máy thu Hệ thống Định vị Vệ tinh toàn cầu (GNSS).
Khim Lal Gautam, một quan chức thuộc Cục Khảo sát cho biết, leo lên Everest một mình là một nhiệm vụ đầy thử thách, nhưng chúng tôi cũng phải đo lường nó.
Trong khi đó, Dang Yamin, một chuyên gia tại Cục Đo đạc và Bản đồ Quốc gia, nói với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, kết quả cuối cùng là giá trị trung bình giữa các phép đo của Nepal và Trung Quốc, phù hợp với các quy tắc khoa học.