1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày?

(Dân trí) - Nó là một dung dịch có tính ăn mòn mạnh như axit trong các viên pin và có thể làm tan chảy cả thép. Tuy nhiên, dung dịch nguy hiểm này lại nằm ngay trong bụng chúng ta để giúp tiêu hóa thức ăn. Đó chính là dịch vị dạ dày!

Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày? - 1

Thành phần chính của dịch vị dạ dày chính là axit HCl, một axit mạnh có tính ăn mòn cao. Do đó, chỉ số pH của axit bên trong dạ dày luôn nằm trong khoảng 1-3, nghĩa là nó tương đương với axit trong các loại pin về độ mạnh.

Vậy tại sao một chất nguy hiểm như vậy lại nằm trong bụng của chúng ta?

Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày? - 2

Như chúng ta đều biết, các loại thực phẩm sau khi nuốt sẽ được tập kết tại dạ dày trong vài tiếng đồng bể để tiêu hóa. Ở đây, thức ăn sẽ được tiêu hóa thông qua hai cơ chế biến đổi chính bao gồm:

  • Biến đổi lí học: Nhờ có sự co bóp của dạ dày, thức ăn sẽ được đảo trộn, làm nguyễn và thấm đều dịch vị để tạo thành khối nhão.
  • Biến đổi hóa học: dịch vị dạ dày với thành phần chính là enzyme và axit HCl sẽ có nhiệm vụ phân giải các hợp chất hóa học trong thức ăn thành các thành phần nhỏ hơn, đơn giản hơn để ruột non dễ dàng hấp thụ. Ví dụ: các protein cao phân tử sẽ được phân cắt thành các đoạn ngắn gồm 3-10 axit amin.

Tại sao dạ dày của chúng ta lại không bị tiêu hóa bởi dịch vị?

Về lý thuyết, dịch vị dạ dày có thể tiêu hóa cả thép nếu có đủ thời gian. Vậy tại sao dù thường xuyên phải tiếp xúc với một chất có tính ăn mòn cao như vậy nhưng dạ dày của chúng ta lại không hề hấn gì.

Câu trả lời chính là những lớp hàng rào bảo vệ được dạ dày thiết lập. Theo đó, để ngăn chặn sự tấn công của dịch vị đặc biệt là axit HCl, niêm mạc dạ dày sẽ được phủ một lớp chất nhầy, được tiết ra từ ba loại tế bào khác nhau, với thành phần chủ yếu là Mucin (một loại Glycoprotein cao phân tử), Phospholipids chất điện giải và nước. Nhiệm vụ chính của lớp chất nhầy này là ngăn cản sự tiếp xúc của biểu mô dạ dày với dịch vị. Hỗ trợ cho chất nhầy còn có các hợp chất gốc HCO3- đóng vai trò trung hòa axit từ dịch vị khuếch tán vào trong lớp chất nhầy, giữ cho pH của lớp chất nhầy ở mức trung tính (xấp xỉ 7). Ngoài ra, hợp chất gốc HCO3- còn bất hoạt ezyme tiêu hóa có trong dịch vị nếu chúng xâm nhập vào. Cũng cần hiểu rằng, lớp hàng rào phòng thủ không hề ở trạng thái tĩnh mà liên tục được sinh ra để bù lại những phần bị bào mòn.

Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày? - 3

Bên cạnh hàng rào bảo vệ, ngay chính bản thân lớp niêm mạc dạ dày cũng tự trang bị cho mình khả năng tái tạo các tế bào bị tổn thương một cách “thần tốc”, để đối phó với trường hợp xấu nhất là dịch vị dạ dày vượt qua được lớp chất nhầy.

Dạ dày có thể đảm bảo tính nguyên vẹn dù liên tục tiếp xúc với dịch vị nhờ các cơ chế tự vệ đặc thù. Vậy sẽ ra sao nếu thứ tiếp xúc với dịch vị không phải dạ dày, mà lại là da của chúng ta, hay xét một trường hợp cụ thể hơn là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta rơi vào một bể chứa đầy axit dạ dày?

Cách để tạo ra một bể bơi chứa đầy dịch vị dạ dày

Trước khi tìm hiểu về những điều có thể xảy đến, hãy thử tính toán xem, làm thế nào để chúng ta có thể tạo ra một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày. Xét trường hợp một bể nước có kích thước vừa 6x6 mét với dung tích 55.000 lít, dạ dày của một người bình thường có thể sản xuất tối đa 1,5 lít dịch vị mỗi ngày. Do đó, để lấp đầy chiếc bể này, chúng ta phải cần đến sự hợp sức của 50.000 người.

Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày? - 4

Những điều xảy đến với bạn khi nhảy xuống bể bơi chứa đầy dịch vị

Trước khi nhảy xuống bể dịch vị, thứ đầu tiên mà bạn cảm nhận được chính là một mùi rất khó chịu bốc lên từ đây. Thông thường, khi trong đường tiêu hóa của chúng ta bị thừa axit sẽ khiến hơi thở có mùi. Vậy hãy thử nhân cấp độ này lên 50.000, bạn sẽ có thể tưởng tượng ra chiếc bể này hôi như thế nào.

Ngay sau khi nhảy vào bể dịch vị, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy khó chịu ở mắt và mũi. Nếu đang thắc mắc rằng cảm giác sẽ như thế nào, hãy thử tưởng tượng mình đang vắt một quả chanh trực tiếp vào mắt (nước cốt chanh có độ pH tương đương với dịch vị dạ dày).

Điều kinh hoàng gì sẽ xảy ra nếu bạn rơi vào một chiếc bể chứa đầy dịch vị dạ dày? - 5

Kế sau những cơ quan nhạy cảm như mắt và mũi, thì da chính là nơi tiếp theo bạn cảm nhận thấy sự tấn công của dịch vị. Cảm giác đầu tiên chính là sự kích ứng, ngứa ngáy ở khắp bề mặt da. Điều may mắn ở đây là lớp biểu bì có thể bảo vệ bạn khỏi những tổn thương nghiêm trọng hơn. Đương nhiên, sự an toàn này chỉ được đảm bảo trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau một khoảng thời gian dài ngâm mình trong bể dịch vị, axit sẽ phá vỡ lớp phòng thủ của biểu bì và dần ăn mòn da của chúng ta, gây nên những vết bỏng độ 2 hoặc độ 3 trên toàn thân. Đối với mắt, những tổn thương do dịch vị gây ra sẽ khiến thị lực giảm dần mà cuối cùng là mất hắn. Trong trường hợp của mũi, dịch vị sẽ ăn mòn dần từ phía bên trong (vùng nhạy cảm hơn). Và nếu không may lỡ nuốt thử một ngụm dịch vị, chắc chắn bạn sẽ nôn nó ra ngay lập tức, tất nhiên là đi kèm với những gì mà mình đã ăn trước đó.

Đây cũng là thời điểm gần như chạm đến giới hạn chịu đựng của cơ thể. Vì vậy, nếu không kịp thời thoát ra ngoài, thứ chờ đợi bạn không có gì ngoài cái chết!

Minh Nhật

Theo What If