Điều gì sẽ xảy ra nếu con người là... "động vật máu lạnh"?
(Dân trí) - Việc con người trở thành động vật máu lạnh (biến nhiệt) tương tự như ếch, rắn sẽ tạo nên đột phá lớn cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ. Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cũng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc ăn uống. Vì sao lại thế?
Trên thực tế từ “nóng” hay “lạnh” ở đây không phải để chỉ nhiệt độ đặc trưng của từng loại máu. Thuật ngữ mô tả chính xác đặc điểm sinh học của động vật máu lạnh là động vật biến nhiệt. Hiểu một cách đơn giản nhiệt độ cơ thể của nhóm động vật này sẽ thay đổi tự do theo nhiệt độ môi trường xung quanh. Các đại diện của động vật biến nhiệt điển hình như: cá, động vật lưỡng cư, động vật bò sát.
Trái lại, với những loài động vật máu nóng hay “hằng nhiệt”, cơ thể luôn duy trì một nhiệt độ ổn định và thường cao hơn môi trường (do đó gọi là máu nóng) bằng các cơ chế cân bằng nội mô và điều hòa thân nhiệt. Lấy một ví dụ gần gũi nhất chính là con người. Khi lạnh chúng ta run cầm cập, động tác này sẽ làm ấm cơ thể. Ngược lại, khi thời tiết quá nóng, cơ thể sẽ tự động động đổ mồ hôi để làm mát.
Một buổi sáng, khi thức dậy bạn đột nhiên biến thành một sinh vật biến nhiệt, dám chắc rằng cuộc sống kể từ đó về sau của bạn sẽ thay đổi rất nhiều, kể cả tiêu cực lẫn tích cực!
Mặt tích cực
Mặt tích cực hiện hữu nhất của việc trở thành sinh vật biến nhiệt chính là hóa đơn cho các nhu yếu phẩm thường nhật sẽ giảm một cách đáng kể, bởi khẩu phần ăn cần thiết cho mỗi ngày sẽ không nhiều như trước nữa! Cần biết rằng, một trong những nguyên nhân khiến con người nói riêng và động vật hằng nhiệt nói chung ăn nhiều, chính là để tạo ra nguồn năng lượng phục vụ cho việc giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức ổn định. Do đó, khi để thân nhiệt “thả nổi” theo môi trường, một khoản năng lượng đáng kể sẽ không còn cần thiết nữa.
Trong trường hợp bạn là một tín đồ ẩm thực, việc vẫn ăn nhiều như trước không gây ra điều gì quá nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần đối mặt với mỡ thừa, bởi năng lượng khổng lồ mà số thức ăn “không cần thiết” này tạo ra, khi không được tiêu hao, sẽ được tích trữ dưới dạng chất béo.
Việc trở thành một sinh vật biến nhiệt cũng mang lại lợi ích đáng kể về sức khỏe. Theo đó, ở nhiệt độ ở định xấp xỉ 37 độ C, cơ thể của con người là một môi trường tuyệt vời cho các loại vi trùng sinh sôi. Trong khi đó, nếu duy trì nhiệt độ cơ thể theo nhiệt độ môi trường (hầu như đều thấp hơn 37 độ C), đồng thời nó cũng biến động liên tục theo thời tiết thì các tác nhân gây bệnh sẽ khó thích ứng và phát triển hơn.
Ở một khía cạnh hàn lâm hơn, việc con người trở thành động vật hằng nhiệt sẽ giúp các nhiệm vụ du hành vũ trụ trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể, những phi hành gia lúc này có thể chìm vào trạng thái ngủ đông, tương tự như ở các loài sinh vật biến nhiệt khác. Ở trạng thái này, nhịp tim, nhịp thở và các hoạt động trao đổi chất sẽ đưa về mức rất thấp, và họ có thể tồn tại suốt thời gian dài chỉ với lượng mỡ dự trữ trong cơ thể, cho phép phi hành gia có thể thực hiện các nhiệm vụ kéo dài hàng tháng, hàng năm trời với một nguồn thực phẩm dự trữ trên tàu giới hạn.
Mặt tiêu cực
Chúng ta cũng nên đặt một câu hỏi phản biện: “Tại sao động vật hằng nhiệt lại phải giữ một thân nhiệt ổn định, trong khi việc này lại rất tốn năng lượng?”
Dưới góc nhìn sinh lý học, “hằng nhiệt” là một bước tiến hóa so với “biến nhiệt”. Việc cơ thể luôn duy trì ở một nhiệt độ cố định sẽ giúp các hoạt động trao đổi chất, cũng như các quá trình diễn ra trong cơ được tiến hành một cách hiệu quả nhất!
Để tất cả hệ thống trong cơ thể vẫn hoạt động trơn tru như trước đây, việc giữ ấm cơ thể sẽ chính là thử thách lớn nhất với một con người “máu lạnh” mỗi ngày. Do đó, dù giảm được tiền ăn uống nhưng bạn lại phải chi một khoản không nhỏ cho các trang phục giữ ấm hay các thiết bị sưởi cho ngôi nhà của mình.
Nếu chẳng may để nhiệt độ cơ thể xuống quá thấp, hệ miễn dịch của bạn cũng theo đó mà hoạt động trì trệ, kém hiệu qủa. Lúc này, dù vi khuẩn không còn mạnh như trước nhưng với việc suy yếu của “hệ thống phòng thủ”, cũng khiến cuộc chiến giữa chúng ta và chúng thực sự rất căm go, và kết cục phụ thuộc một phần lớn vào việc chủ động giữ ấm của bạn.
Các loài động vật máu lạnh sống trên cạn thích nghi tốt nhất với điều kiện nhiệt độ trong khoảng 21-40 độ C. Điều này khiến các khu vực nằm gần đường xích đạo trở thành vùng đất sống có khi hậu lý tưởng nhất với loài người “máu lạnh”. Vấn đề là ở chỗ vì ai cũng muốn hưởng điều kiện tốt nhất nên dám chắc rằng, sẽ có những cuộc đại di cư ở quy mô toàn cầu.
Kết quả là các nước ở khu vực nhiệt đới bị bùng nổ dân số một cách đáng báo động. Trong khi đó, khu vực hàn đới lại gần như sẽ không còn ai sinh sống!
Minh Nhật
Tổng hợp