Đi bộ có lợi nhiều mặt cho sức khỏe

(Dân trí) - Các nhà y học đã khẳng định rằng đi bộ đem lại lợi ích nhiều mặt cho sức khỏe Đấy cũng là cách rèn luyện cơ thể một cách đơn giản, dễ thực hiện, tạo ra nếp sống lành mạnh, giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Các nhà y học ở Mỹ đã thực hiện một đề tài nghiên cứu về hiệu quả đi bộ với 200 người trên 40 tuổi trong 3 năm. Nhóm nghiên cứu được chia thành 2 nhóm. Nhóm A mỗi ngày đi bộ bình quân 4,2km, nhóm B cơ bản không đi bộ. Kết quả theo dõi 3 năm cho thấy, tỷ lệ tử vong và mắc chứng bệnh nhồi máu cơ tim của nhóm A thấp hơn nhóm B đến 60%. Vì thế đi bộ được đánh giá là môn thể thao tốt nhất cho sức khỏe người cao tuổi. Nhiều người nhờ đi bộ đã duy trì được sức khỏe và sự minh mẫn. Vậy thì nên đi bộ như thế nào cho tốt? Theo các chuyên gia y tế, nên đi bộ vừa sức, đi như thế nào để thấy thoải mái, đi về chỉ hơi mệt, nghỉ một lúc là trở lại bình thường. Sau khi tắm rửa cảm thấy người sảng khoái hơn.

Đi bộ có lợi nhiều mặt cho sức khỏe - 1

Kinh nghiệm của nhiều người rèn luyện bằng cách đi bộ cũng như các chuyên gia y tế đều khẳng định đi bộ đem lại lợi ích nhiều mặt:

1 - Giúp cho tinh thần thanh thản dễ chịu hơn.

Đi bộ vào lúc sáng sớm (6g),được hít thở không khí trong lành làm cho ta cảm thấy sáng khoái dễ chịu . Sau một ngày làm việc tập trung, đi bộ vào cuối buổi chiều (5-6 giờ chiều) cũng là lúc thư giãn không những có tác dụng rèn luyện cơ bắp mà còn có “thả lỏng” những hoạt động trí tuệ, lấy lại sự thăng bằng của hệ thần kinh, giúp cho tâm hồn trở nên thư thái.

2 - Rèn luyện sự dẻo dai, tăng cường chuyển hóa

Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon ngủ sâu; chống táo bón. Chống bệnh mỡ máu cao, giảm cholesterone xấu, tăng cholesterone tốt. Tăng tuần hoàn máu, tăng dẻo dai thành mạch, điều hòa huyết áp, tăng chỉ số thông minh (IQ).

3 - Giảm nguy cơ các bệnh: tim mạch (cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, đột quỵ); đái tháo đường; chứng béo phì.

4 - Chống suy giảm sinh dục (rối loạn cương, lãnh cảm nữ).

5 - Tăng sức đề kháng, giảm cảm cúm, nhiễm trùng; giảm nguy cơ ung thư (vú, tử cung, tuyến tiền liệt, đại tràng); giảm đau nhức (cơ, xương).

6 - Chống lão hóa, chống suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.

7 - Bổ sung vitamin D3 cho cơ thể (khi phơi nắng trên 10 phút cơ thể sẽ sản sinh 10.000 UI).

8 - Ngăn ngừa chứng suy tĩnh mạch: Khi có tuổi, nguy cơ mắc chứng suy tĩnh mạch tăng lên. Đi bộ là cách ngăn ngừa những tĩnh mạch này phát triển.

Hệ thống tĩnh mạch bao gồm một phần tuần hoàn được mệnh danh là “trái tim thứ hai”, được hình thành bởi các cơ, gân và các van nằm ở bắp chân và bàn chân. Hệ thống này hoạt động để bơm máu trở về tim, phổi. Đi bộ chính là biện pháp giúp tăng cường, bảo quản cơ bắp chân, tăng tuần hoàn máu lành mạnh. Nếu đã bị suy tĩnh mạch, thì đi bộ mỗi ngày giúp làm giảm sưng và giảm cảm giác “bứt rứt” ở hai chân.

Với một số đối tượng đặc biệt, khi đi bộ cần lưu ý:

- Người mang thai 3 tháng cuối, nên đi bộ chậm, bước vừa phải không gắng sức, thời gian đi bộ mỗi ngày khoảng 30 phút (có thể chia làm 2 lần) sẽ có lợi cho cả mẹ và con (chống tăng cân nhiều, chống sản giật, đái tháo đường, táo bón, giúp dễ đẻ).

- Người béo phì muốn giảm cân, nên đi bộ chậm sẽ tránh được nguy cơ viêm khớp, chấn thương khớp, đốt nhiều mỡ thừa hơn. Thời gian đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày.

Dù đi bộ đem lại nhiều lợi ích, nhưng các thầy thuốc lưu ý một số trường hợp không nên đi bộ. Đó là những người bệnh đang bị rối loạn tuần hoàn não nặng, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, thoái hóa khớp, lỏng khớp, viêm gót chân, bàn chân, viêm tắc động, tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch chân, đau cơ, teo cơ…

BTV (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm