Demo Day - Ngày hội để startup có thể kêu gọi đầu tư thành công

(Dân trí) - Ngày hội Đầu tư Demo Day đã trở thành hoạt động thường niên của Vietnam Silicon Valley (VSV) – một sân khấu dành cho các startup, nơi để ý tưởng của họ được lắng nghe và quan tâm bởi các khách mời là nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, những sự kiện như Demo Day sẽ tạo tiền đề cho sự kết nối kinh doanh thành công giữa các nhà đầu tư, quỹ đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển những dự án khả thi trong tương lai.

Năm nay, sự kiện Demo Day 2017 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/1 tới tại Hà Nội. Nhân dịp sự kiện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm VSV - người đã thiết kế tổng thể, chi tiết toàn bộ Đề án Vietnam Silicon Valley và là nhân tố chính quyết định thành công của Đề án trong suốt gần 5 năm qua.


Thạc sỹ Thạch Lê Anh.

Thạc sỹ Thạch Lê Anh.

Được biết, năm nay là năm thứ 3 sự kiện Demo được tổ chức, vậy các hoạt động của Demo 2017 được sắp xếp ra sao?

Thạc sỹ Thạch Lê Anh: Để chuẩn bị cho một ngày Demo Day năm 2017 hiệu quả, thì ngay trong chương trình Bootcamp (khóa huấn luyện đặc biệt) 4 tháng VSV đã có những thay đổi đáng kể. Ví dụ, chỉ sau tháng thứ nhất của Bootcamp, VSV đã tổ chức ngày Prototype Day như một ngày giới thiệu chính thức về Startup với các nhà đầu tư. Tại đây, các nhóm trình bày về dự định sản phẩm/dịch vụ cũng như mô hình kinh doanh của mình để các nhà đầu tư quan tâm có thể dễ dàng tiếp xúc startup ngay tại VSV Corner trong suốt 3 tháng còn lại của bootcamp.

Demo Day 2017 đồng thời sẽ là cơ hội để VSV nói về các dự định tương lai của mình đối với các đối tác. Các đối tác của VSV tham gia sẽ có một số tiếp tục đầu tư trực tiếp các vòng sau cho startup và một số thì đầu tư cho các chương trình BA (Business Accelerator) mới.

Ngoài ra, VSV còn có các đối tác để tổ chức các chương trình đào tạo trước BA để tăng năng lực cho các startup trong tương lai.

Nhiều startup muốn tham gia VSV, song họ còn băn khoăn về việc tiếp cận. Bà có thể nói về các yêu cầu của VSV với các startup?

Thạc sỹ Thạch Lê Anh: VSV luôn khuyến khích các startup nộp hồ sơ vào các chương trình đầu tư của mình. Các chi tiết về cách nộp hồ sơ và thời gian nộp hồ sơ được chúng tôi cập nhật trên trang web của VSV http://www.siliconvalley.com.vn/ .

Mỗi năm, từ 5% đến 10% số lượng hồ sơ VSV nhận được sẽ được tham gia vào chương trình Business Accelerator và được đầu tư vốn mồi từ VSV. Trong quá trình 4 năm tổ chức đầu tư, 2 trở ngại lớn mà các startup muốn nộp hồ sơ vào VSV gặp phải là:

Thứ nhất là độ phức tạp của các câu hỏi trong hồ sơ: để trả lời hết các câu hỏi trong hồ sơ của VSV đòi hỏi đội ngũ sáng lập đã phải suy nghĩ rất thấu đáo về sản phẩm, chiến lược đưa sản phẩm vào thị trường, chiến lượng marketing và đã phải chuẩn bị sẵn đội ngũ cho việc này. Ngoài ra, để hoàn thành bộ câu hỏi thì một nhóm startup tốt cũng phải mất khoảng 1 tuần.

Thứ hai là Ngôn ngữ Tiếng Anh: Yêu cầu của VSV là toàn bộ bộ hồ sơ phải được thực hiện bằng tiếng Anh. Mặc dù các startup thường bắt đầu kinh doanh từ thị trường Việt Nam nhưng các nhà đầu tư ở Việt Nam rất ít và để phát triển sau giai đoạn vốn mồi dựa vào vốn đầu tư mạo hiểm, Startup phải nhắm đến các nhà đầu tư từ Singapore và Hàn Quốc nên việc có thể đọc, hiểu, viết được tiếng Anh là điều kiện bắt buộc. Hơn nữa, Startup công nghệ không nên bó buộc bản thân trong thị trường Việt Nam mà nên quan sát cả thị trường thế giới, có nhiều startup là công ty Việt Nam làm việc tại Việt Nam nhưng lại thành công trên thị trường thế giới chứ phần đông người Việt Nam không biết tới.

Ngoài ra, VSV đang hợp tác với một số trường đại học để đưa chương trình đào tạo của mình vào trường. Các chương trình này sẽ yêu cầu thấp hơn để tạo cơ hội cho các nhóm startup có thể phát triển nếu chưa đủ điều kiện tham gia Business Accelerator của VSV

Một số dự án được ươm mầm bởi chương trình Vietnam Silicon Valley (VSV) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức tìm nhà đầu tư thông qua sự kiện Demo Day 2016 . Bà có thể chia sẻ về những dự án đã thành công nhất, đã đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống?

Thạc sỹ Thạch Lê Anh: Các dự án thành công của Demo Day 2016 có thể kể đến như Ship60, Hachi, Torki Kebab...

Ship60 hiện nay đang là đối tác về công nghệ và vận chuyển hàng hóa siêu tốc cho các công ty lớn như VN Post, Lazada... Hiện tại, Ship 60 đang là đối tác duy nhất đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ của Lazada trong việc vận chuyển hàng hóa siêu tốc.


Startup Việt cần khẳng định mình để quyến rũ các nhà đầu tư hơn.

Startup Việt cần khẳng định mình để "quyến rũ" các nhà đầu tư hơn.

Hachi phát triển từ mô hình trồng rau thủy canh tự động bằng các giàn đứng cho các không gian thành thị trở thành công ty chuyên cung cấp hệ thống trồng rau tự động cho các trang trại lớn hàng nghìn m2. Hệ thống của Hachi cho năng suất từ 2-3 lần cách trồng thông thường. Các khách hàng của Hachi có thể thu lại tiền đầu tư hệ thống ban đầu chỉ sau một năm sử dụng và thu hoạch. Hachi đồng thời giúp các nhà hàng tự trồng rau thủy canh chất lượng cao để tự kiểm soát nguồn cung mà không cần diện tích canh tác lớn.

Kebab Torki phát triển từ 2 xe bán bánh Kebab thành một chuỗi franchise với hơn 60 địa điểm, giải quyết được cho hơn 300 việc làm trong vòng một năm. Tại một số địa điểm, người mua franchise của Kebab Torki có thể thu được lợi nhuận 10 – 15 triệu một ngày từ việc bán hàng. Và đây cũng là một startup chuyển thể từ mô hình SME truyền thống, đồng thời minh chứng cho việc startup có thể phát triển nhanh mạnh mà chưa cần gọi tới vốn đầu tư.

Năm nay sự kiện Demo Day 2017 có nhận được sự hỗ trợ từ dự án 844? Bà có thể cho biết cụ thể hơn? Qua sự hỗ trợ này, sự kiện năm nay có những điểm mới và khác biệt như thế nào sự với các sự kiện của những năm trước?

Thạc sỹ Thạch Lê Anh: Từ 2014 đến nay, tất cả các Demo Day của VSV đều được tổ chức tại trụ sở Bộ KH&CN, VSV đã luôn được biết tới là dự án tiên phong của Bộ trong việc khởi động mô hình Startup và đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Các Startup của VSV được đào tạo và cấp vốn gieo mầm bởi các nhà đầu tư cá nhân luôn đồng hành với tên gọi VSV Accelerator hay VSVA. Chi phí tổ chức Demo Day cũng được trích ra từ các khoản mà các nhà đầu tư này đóng góp, do vậy, sau mỗi đợt bootcamp, VSV chỉ có thể tổ chức giới thiệu startup của mình được 1 lần.

Được biết Demo Day 2017 sẽ nhận được hỗ trợ từ đề án 844 nên VSV đã tổ chức Prototype Day để Startup giới thiệu sản phẩm/dịch vụ và mô hình kinh doanh thử nghiệm của mình trước các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng. Việc này giúp quá trình điều nghiên được rút ngắn sau ngày Demo Day. Ngoài ra, VSVA có thể dành một phần tiền đầu tư để đưa startup của mình đi giới thiệu – road show tại thị trường quốc tế, cụ thể VSVA đã có kế hoạch cùng Startup đi Hàn Quốc tổ chức Demo Day vào tháng 3 tới.

Việc hỗ trợ từ đề án 844 một lần nữa khẳng định sự tin tưởng và ủng hộ của Chính phủ đối với các nhà đầu tư thiên thần mà VSVA là một đại diện trong cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Sự kiện này sẽ giúp không chỉ startup mà còn cả VSVA có thể thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm trở thành các đối tác của mình như Lotte Accelerator...

Tuyết Anh (Thực hiện)