Đêm nay, Việt Nam đón mưa sao băng khi 3 hành tinh thẳng hàng sau 800 năm
Trận mưa sao băng cuối cùng trong năm sẽ vào đêm "cận đỉnh" ngay trong đêm Mặt Trời và 3 hành tinh là Trái Đất, Sao Mộc và Sao Thổ cùng nằm trên một đường thẳng - sự kiện 800 năm mới lặp lại.
Theo định vị tại TP HCM của trang Time and Date, mưa sao băng Ursids - trận mưa sao băng cuối cùng trong năm - sẽ rơi đạt cực đỉnh vào đêm 22, rạng sáng ngày 23 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên nó đã bắt đầu rơi từ ngày 17-12 và đến đêm nay 21-12 đã đủ đi vào giai đoạn "nặng hạt", với khoảng 10 sao băng mỗi giờ.
Cái tên Ursids xuất phát từ tên chòm sao Ursa Minor, tức Tiểu Hùng Tinh, cũng là nơi mưa sao băng sẽ phát ra. Vì vậy để quan sát những ngôi sao băng đẹp nhất, hãy định vị chòm sao này. Tuy trông như bắn ra từ Tiểu Hùng Tinh nhưng thực chất các ngôi sao băng của Ursids chính là các vật thể nhỏ trong chiếc đuôi đá bụi của sao chổi 8P/Tuttle. Mỗi năm Trái Đất bay qua chiếc đuôi này 1 lần và tạo nên mưa sao băng.
Đêm 21-12 cũng là dịp đặc biệt. Theo NASA, đó sẽ là lần hiếm hoi 3 hành tinh Trái Đất, Sao Mộc và Sao Thổ, vùng với Mặt Trời, xếp trên một đường thẳng. Lần cuối sự kiện này diễn ra là vào thời Trung Cổ, đã 800 năm trước.
Tại điểm thẳng hàng, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ gần với Trái Đất nhất nên chúng trông rất to và rõ dù nhìn bằng mắt thường. Nếu như trong những ngày trước, Sao Mộc và Sao Thổ trông như một cặp đôi kỳ dị đang đứng cạnh nhau, rất gần thì trong đêm 21, nó sẽ gần như chập lại thành 1 hành tinh khổng lồ duy nhất.
2 hành tinh này sở hữu nhiều mặt trăng, trong đó có các mặt trăng lớn hơn cả Sao Thủy và Sao Diêm Vương, vì vậy với một công cụ quan sát cá nhân, bạn có thể trông thấy 4 mặt trăng của Sao Mộc và 2 mặt trăng của Sao Thổ.
Tờ Earth Sky dẫn lời chuyên gia khuyên mọi người hãy cố giữ cho đôi mắt mình quen với bóng tối 15-20 phút trước khi quan sát để trông thấy mưu sao băng và các hành tinh rõ ràng hơn. Đây là một đêm chiêm ngưỡng khá thuận lợi bởi các vật thể không bị lấn át bởi mặt trăng.