1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Đêm nay diễn ra mưa sao băng lớn nhất năm, ở Việt Nam có xem được?

Minh Khôi

(Dân trí) - Người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát mưa sao băng Geminids trên bầu trời vào tối nay và rạng sáng mai.

Đêm nay diễn ra mưa sao băng lớn nhất năm, ở Việt Nam có xem được? - 1

Một quả cầu lửa rực sáng nằm trong đợt mưa sao băng Geminid năm 2009 (Ảnh: Wally Pacholka).

Theo Hội Thiên Văn Hà Nội (HAS), hiện tượng mưa sao băng Geminids sẽ diễn ra vào 21 giờ tối nay (13/12), và đạt đỉnh lúc 4 giờ sáng ngày 14/12.

Đây là thời gian thuận lợi để người yêu thiên văn có thể quan sát một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trên bầu trời.

Về vị trí quan sát, mưa sao băng Geminids nằm trong chòm sao Gemini (Song Tử) sẽ xuất hiện trên bầu trời tại hướng Đông. Tuy nhiên, việc quan sát hiện tượng thiên văn này có thể bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng, do đêm nay đã gần tới đêm rằm, và trăng có thể rất sáng nếu trời quang mây.

Một số nhà quan sát cho rằng, ánh sáng từ Mặt Trăng có thể làm lu mờ đi một số hiện tượng thiên văn diễn ra trên bầu trời, và mưa sao băng cũng không ngoại lệ.

Thông tin từ HAS cho biết, dưới điều kiện quan sát lý tưởng với một bầu trời tối không trăng, người quan sát có thể bắt gặp từ 120 đến 150 vệt sao băng Geminids diễn ra mỗi giờ. 

Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra trong năm nay do sự tham gia của Mặt Trăng ở gần vị trí tâm điểm của mưa sao băng. Theo đó, số lượng sao băng có thể nhìn thấy sẽ thấp hơn rất nhiều.

Mưa sao băng Geminids lần đầu tiên được quan sát trên bầu trời vào những năm 1800. Tại thời điểm đó, đây chỉ là một trận mưa sao băng không đáng chú ý, với xấp xỉ 10 đến 20 vệt sao băng được nhìn thấy mỗi giờ.

Tuy nhiên dần theo thời gian, mưa sao băng Geminids đã bùng nổ, và trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người yêu thiên văn trên toàn thế giới vào dịp lễ hội cuối năm.

Thông thường, mưa sao băng Geminids sẽ diễn ra từ ngày 19/11 đến ngày 24/12, khi Trái Đất băng qua luồng mảnh vỡ do tiểu hành tinh 3200 Phaethon để lại.

Trên bầu trời sẽ xuất hiện những điểm đặc trưng của đợt mưa sao băng này, với các vệt sao băng sáng, di chuyển nhanh và hơi ngả một chút sang sắc vàng.

Đây cũng là trận mưa sao băng có nhiều sao băng sáng, hay còn gọi là "quả cầu lửa" quét ngang bầu trời. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm