Để cứu lấy Trái Đất, ta nên để nó yên
(Dân trí) - Khi con người gây ra một tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, suy nghĩ rằng hành động tốt nhất là can thiệp vào và sửa chữa nghe thật cao cả. Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng có lẽ chúng ta tốt hơn hết nên để thiên nhiên tự làm lành vết thương của mình.
Kể từ khi loài người bắt đầu suy ngẫm về những tác động công nghiệp của mình đối với trái đất, họ đã cố gắng sửa chữa một vài thiệt hại nghiêm trọng nhất mà mình gây ra, phục hồi các hệ sinh thái hay nhắc đến những loài sinh vật có lẽ đã tuyệt chủng.
Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng trong khi nhiều hệ sinh thái đã có chuyển biến tích cực nhờ sự can thiệp của con người, rất ít hệ có thể khôi phục lại như ban đầu. Theo các tác giả, điều này cho thấy biện pháp tốt nhất để bảo vệ sự đa dạng sinh học là tập trung vào việc giữ nguyên vẹn những hệ sinh thái đang tồn tại.
Trong bài viết được đăng trên tờ Proceedings of the Royal Society B, một đội nghiên cứu quốc tế đã xem xét 400 nghiên cứu về việc phục hồi môi trường, quan sát phản ứng của các hệ sinh thái đối với những yếu tố gây nhiễu loạn như sự cố tràn dầu, nông nghiệp và khai thác gỗ.
Phần tóm tắt của bài báo có ghi: “Sự phục hồi thụ động nên được cân nhắc là phương án đầu tiên. Nếu quá trình phục hồi chậm, thì tốt hơn hết nên điều chỉnh các hành động khôi phục chủ động để vượt qua những chướng ngại cụ thể để khôi phục và đạt được các mục tiêu phục hồi”.
Trong phân tích tổng hợp của mình, đội nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ cần loại bỏ những yếu tố gây nhiễu loạn ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, ví dụ ngăn chặn nạn phá rừng, sẽ đem lại những hiệu quả tương tự như việc khôi phục chủ động.Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng các phát hiện của mình cần được xem xét thận trọng, vì chỉ mới có vài nghiên cứu so sánh giữa các biện pháp phục hồi chủ động và thụ động ở cùng địa điểm, như một phản ứng với cùng những tác động tiêu cực.
Đây không phải lần đầu tiên một biện pháp tiếp cận thụ động được xem như phương án tốt nhất để hồi phục tổn hại sinh thái.Theo tờ The Guardian, nhà sinh học E. O. Wilson – còn được biết đến là “cha đẻ của đa dạng sinh học” – đã từng tranh luận để biện hộ cho mục đích cao cả của việc chỉ định một nửa hành tinh này làm khu bảo tồn thiên nhiên.
Các tác giả của nghiên cứu này không đặt mục tiêu đầy tham vọng như Wilson, nhưng họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng những nguồn tài nguyên khôi phục hạn chế của chúng ta phát huy được hết tiềm năng của mình. Nếu những nỗ lực của ta không giúp các hệ sinh thái hồi phục nhanh hơn so với việc chúng tự phục hồi, thì có lẽ ta nên tập trung vào những tình huống mà hành động của chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi.
Lộc Ninh (Theo Futurism)