1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam

(Dân trí) - Năm 2017, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời trên toàn thế giới tăng 30% và tại Trung Quốc, tổng công suất này tăng gấp đôi. Đây là xu hướng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới và Việt Nam là quốc gia có tài nguyên điện mặt trời khá dồi dào.


Quang cảnh buổi hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam.

Ngày 14/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khởi động “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030”. Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) do do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

“Việc đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam là vô cùng quan trọng bởi nó không chỉ cung cấp hiểu biết toàn diện hơn về tiềm năng mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn các địa điểm có dự án điện mặt trời. Cùng lúc đó, quá trình này sẽ thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân và đem lại những thông tin cần thiết hỗ trợ cơ quan quản lí đưa ra Quy hoạch Phát triển điện mặt trời tại Việt nam”, bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ phát biểu.


Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ.

Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ.

Bà Sonia Lioret cũng nhận định, trong vài thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đang phát triền nhanh chóng và đang tạo áp lực mạnh mẽ lên quá trình sản xuất điện hiện đang dựa trên than đá và các nguyên liệu hóa thạch.

Việt Nam có tài nguyên điện mặt trời khá dồi dào. Bức xạ mặt trời ở mức tương đương với các nước trong khu vực, bao gồm những thị trường điện mặt trời đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan và Philippin, cũng như những thị trường đã rất phát triển như Ý và Tây Ban Nha. Năng lượng mặt trời có thể là giải pháp đối với nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng ở Việt Nam.

“Tiềm năng phát triển và đầu tư của điện mặt trời trong các khu thương mại và công nghiệp là rất lớn. Các chỉ số đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% hàng năm” - Bà Sonia Lioret nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Viện Năng lượng cũng đã trình bày về Phương pháp luận đánh giá tiềm năng điện mặt trời và quy hoạch lưới điện. Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch phát triển điện mặt trời và ngành điện mặt trời vốn đang phát triển mạnh mẽ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc khởi động quá trình Đánh giá tiềm năng điện mặt trời là một bước quan trọng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Quá trình này sẽ giúp chúng ta xác định được danh sách các dự án điện mặt trời đến năm 2020 và các vùng thuận lợi để phát triển cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030 và các tiêu chí để phát triển dự án. Quá trình đánh giá cũng sẽ đem lại những thông tin chuyên sâu về tiềm năng điện mặt trời và thực trạng phát triển hiện nay tại Việt Nam.

“Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư đã không đợi đến khi chính phủ công bố mức giá mua điện, họ đã xác định các khu vực tiềm năng để xây dự án từ rất sớm. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta không chỉ tìm hiểu về tiềm năng mà còn tìm hiểu về hoạt động đầu tư đang diễn ra, để chúng ta có thể lập quy hoạch một cách hiệu quả nhất.

Nói cách khác, việc đánh giá tiềm năng quốc gia điện mặt trời ở Việt Nam sẽ giúp chúng ta đưa ra cách tiếp cận và con đường phát triển điện mặt trời của Việt Nam. Phát triển ở đâu, ở đâu nên phát triển trước, quy mô thế nào, là những câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt ra” - Bà Sonia Lioret bày tỏ.

Được biết, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo chủ chốt. Hiện nay, công suất lắp đặt điện mặt trời ở mức 6-7 MW vào cuối năm 2015. Dự kiến công suất này sẽ tăng lên 850 MW vào năm 2020 (tương ứng với 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12,000 MW vào năm 2030 (tương ứng với 3,3% tổng sản lượng điện).

Vào tháng 4/2017, Chính phủ đã đưa ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg trong đó công bố giá mua điện mặt trời cố định ở mức 9.35 US cents/kWh. Ngày 12/09, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT để triển khai Quyết định này. Những văn bản pháp luật này đang cho thấy cam kết của Chính phủ về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Nguyễn Hùng