Đánh giá hiệu quả sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng

(Dân trí) - TS. Nguyễn Văn Sưa cùng các đồng nghiệp thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam cũng như một số chuyên gia vừa thực hiện thành công đề tài “Đánh giá hiệu quả sản xuất phôi thép trong công nghệ luyện thép bằng lò cảm ứng”. Nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng để các công ty sản xuất thép phôi bằng lò cảm ứng có định hướng phát triển bền vững lâu dài trong tương lai.

Với nhiều đặc tính ưu việt như nhanh, mạnh và hiệu suất cao, công nghệ cấp nhiệt cảm ứng từ (induction heating) đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng cũng đang có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong ngành luyện thép, lò cảm ứng được dùng chủ yếu để nấu lại, pha chế điều chỉnh thành phần, tạo mác thép tại các xưởng đúc. Hiện nay, một số nhà sản xuất thép có quy mô công suất nhỏ và trung bình có xu hướng muốn chuyển sang sản xuất thép bằng lò cảm ứng để giảm giá thành sản phẩm.

Đánh giá hiệu quả sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng - 1

Tuy nhiên, do còn những hạn chế về dung lượng, yêu cầu đối với nguyên liệu đầu vào và tiêu hao năng lượng nên công nghệ luyện thép lò cảm ứng chưa thể cạnh tranh với các công nghệ khác như lò chuyển hoặc lò hồ quang. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá đúng những ưu điểm, nhược điểm của phương pháp sản xuất thép bằng lò cảm ứng cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất phôi thép trong công nghệ luyện thép bằng lò cảm ứng là rất quan trọng và cần thiết đối với định hướng phát triển sản xuất thép bằng lò cảm ứng, đồng thời, nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý và các nhà đầu tư, sản xuất.

Với mong muốn góp phần giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Sưa cùng các đồng nghiệp thực hiện đề tài: “Đánh giá hiệu quả sản xuất phôi thép trong công nghệ luyện thép bằng lò cảm ứng”. Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được những thành công nhất định. Cụ thể, giới thiệu tổng quan 03 công nghệ sản xuất phôi thép hiện đang áp dụng tại Việt Nam, trong đó, sản lượng phôi thép năm 2013 của công nghệ luyện thép bằng lò cảm ứng chiếm khoảng 10% tổng sản lượng.

Tiến hành khảo sát và lấy số liệu thực tế tại 08 nhà máy sản xuất phôi thép bằng lò cảm ứng trung tần của Việt Nam; Đánh giá sơ bộ hiện trạng sử dụng nguyên liệu và năng lượng trong công nghệ luyện thép bằng lò cảm ứng thông qua các yếu tố như: nguyên liệu, năng lượng, chất lượng phôi thép, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó đã xây dựng lộ trình định hướng nâng cao hiệu quả của lò cảm ứng: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, năng lượng: đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Đưa ra một số kết luận về xu hướng sử dụng lò cảm ứng để luyện thép và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng lò cảm ứng luyện thép.

Nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng để các công ty sản xuất thép phôi bằng lò cảm ứng có định hướng phát triển bền vững lâu dài trong tương lai.

S.H (Nguồn Nasati)